Bóng đá miền Tây nhiều năm qua sản sinh biết bao thế hệ cầu thủ, đội bóng phong trào lừng lẫy như một quy luật phát triển của làng phủi nơi đây. Ở đất mũi Cà Mau, tổ đấu Khí Cà Mau cũng nổi lên như một thế lực có thể “xưng hùng xưng bá” ở miệt sông nước này.
Đội hình đậm chất miệt vườn
Điều thú vị nhất của tổ đấu Khí Cà Mau đó chính là họ có một đội hình với các cầu thủ chơi bóng với nhau từ tấm bé. Nghĩa là cái tên nói lên “địa chỉ” khi họ là tập hợp tất cả các cầu thủ ở đất mũi Cà Mau chứ không có cầu thủ ở các tỉnh khác.
Đó là các cầu thủ chơi bóng với nhau từ nhỏ, ở các huyện khác nhau, qua vài giải đấu trong tỉnh, sau đó lựa chọn ra những nhân tố tốt nhất rồi tập hợp lại thành một tổ đấu để bắt đầu đem quân đi chinh chiến ở các tỉnh khác, thậm chí lên tận “thủ phủ của phủi miền Nam” là Sài Gòn để đánh giải.
Thế nên dù chỉ mới “trình làng” vài năm gần đây nhưng chính sự ăn giơ khi chơi bóng với nhau từ lâu, cộng với lối chơi phóng khoáng và… “hoang dại” như chính tính cách con người nơi đây đã giúp cho tổ đấu Khí Cà Mau tạo được dấu ấn ở những giải đấu mà họ tham gia.
“Nhỏ” nhưng có “võ”
Nhìn vào đội hình của Khí Cà Mau thì người ta ngay lập tức đưa ra nhận xét đó là đội hình này có thể hình khá khiêm tốn khi các cầu thủ đều khá “loắt choắt” và nhỏ con.
Với những trụ cột chính như Hiếu “Cà Mau”, Kiệt “nhóc”, Việt Anh, Sang “chét”, Hiệp “lùn”, Khánh “Iker”… Đáng chú ý của tổ đấu này là “ngôi sao” Hiếu “Cà Mau” bởi anh được xem là nhạc trưởng thủ lĩnh lối chơi của Khí Cà Mau từ nhiều năm nay.
Hiếu “Cà Mau” cũng như các anh em khác, dáng người mảnh khảnh, đổi lại anh có khả năng bứt tốc và dứt điểm cực kì hiệu quả. Nếu như phủi Sài thành có Vua phong trào Capdervilar thì nơi miền Tây, Hiếu “Cà Mau” cũng được “xưng vương” ở đây. Thậm chí có nhiều đánh giá rằng Hiếu “Cà Mau” toàn diện hơn khi có có lối chơi đơn giản, và đặc biệt là khả năng dứt điểm bằng cả 2 chân rất chính xác, với lực sút như nhau. Ngoài ra, Hiếu “Cà Mau” “nhạc nào cũng nhảy” nghĩa là anh có thể chơi bóng ở tất cả mọi sân đấu, từ sân 5, sân 7 hay sân 11 thì Hiếu “Cà Mau” đều có thể làm tốt vai trò săn bàn của mình.
Ở phần còn lại, những Kiệt “nhóc” với cái chân trái “ma thuật” cùng những pha xử lí kĩ thuật ở phạm vi hẹp. Việt Anh với đôi nhân được ví “như que tăm” nhưng lại sở hữu những cú sút đầy uy lực. Sang “chét” và Hiệp “lùn” với lối đá cần cù và chịu khó đeo bám, cùng với đó là khả năng bứt tốc trong phạm vi hẹp. Thuộc vào dạng “nhỏ nhưng có võ” cũng nhờ một điểm chung đó là nền tảng thế lực khá dồi dào và một lối chơi tận hiến. Tinh thần chiến đấu chính là thứ vũ khí đáng sợ nhất mà tổ đấu Khí Cà Mau có được khi đối đầu những đội bóng “có số má” trong giới phủi miền Tây cũng như ở Sài thành trong những lần đi đánh giải.
Hiếu “Cà Mau” và các đồng đội đáng sở hữu kỉ lục mà biết bao nhiều đội bóng phong trào thèm muốn, đó là 2 lần đánh bại tổ đấu thánh bào của Vua phủi Capdervilar ở 2 trận chung kết. Một thành tích được xem là “vô tiền khoáng hậu” và chưa có tiền lệ của giới phủi miền Nam.
Một lần họ đánh bại tổ đấu “thánh bào” ngay trên đại bản doanh của Vàng Lộc Tài FC trên đất Vĩnh Long để đem cúp về miệt Cà Mau. Lần khác họ khiến Capdervilar và các đồng đội phải “ôm hận” ở giải Truyền hình Đồng Tháp, đáng chú ý cả 2 trận chung kết đó, tổ “thánh bào” đều là những người “nổ điểm” trước và chơi lấn lướt Khí Cà Mau. Nhưng như đã nói ở trên, thứ vũ khí đáng sợ nhất là tinh thần quả cảm đã giúp Khí Cà Mau làm nên những cuộc lội ngược dòng không tưởng, qua đó có những lần soán ngôi đầy kịch tính mà chắc chắn sẽ được “lưu truyền” rất lâu trong giới phủi.
Không quá rầm rộ, không được chú ý nhiều, nhưng Hiếu “Cà Mau” cùng các đồng đội ở tổ đấu Khí Cà Mau rõ ràng đang có sự vươn mình mạnh mẽ cùng bóng đá phong trào vài năm trở lại đây. Sẽ là không quá lời khi cho rằng Khí Cà Mau mang dáng dấu của một thế lực hùng mạnh, được dự báo sẽ có sự thống trị bóng đá nơi miệt vườn trong tương lai gần.