Gần 2 thập kỷ trước, điền kinh Việt Nam có tên trên bảng thành tích Giải điền kinh Vô địch châu Á nhờ công của Nguyễn Thị Tĩnh, tài năng lớn nhưng ngắn tuổi nghề…
Đúng thời điểm này 18 năm trước, khi Giải điền kinh Vô địch châu Á 2002 diễn ra tại Colombo (Sri Lanka) với 43 nội dung, đoàn Việt Nam đã giành được tấm huy chương đồng quý giá của Nguyễn Thị Tĩnh ở nội dung chạy 400m nữ.
Giải đấu diễn ra từ 9-12/8/2002 này dường như xa lạ với người hâm mộ Việt Nam bởi không có nhiều phương tiện truyền thông đưa tin. Nhưng 10/8/2002 được coi là một ngày đặc biệt với điền kinh Việt Nam khi lần đầu tiên có một VĐV giành huy chương cấp châu lục. Sau khi xếp thứ 5 vòng loại với thời gian 54 giây 82 (54.82), Nguyễn Thị Tĩnh bước vào vòng chung kết với 7 VĐV rất mạnh khác.
Ở thời điểm đó, Nguyễn Thị Tĩnh 21 tuổi và cũng mới chỉ có khoảng 3 năm đến với môn điền kinh. Cô gái Hà Nội bước vào chung kết với tâm thế thoải mái và hoàn thành đường đua với thời gian 54.57 để giành huy chương đồng, sau Tatyana Khadjimuratova (Kazakhstan, 52.61) và Zamira Amirova (Uzbekistan, 53.87). Đó là tấm huy chương duy nhất của Việt Nam tại giải đấu tầm châu lục năm ấy, dù đoàn có sự góp mặt của những tài năng điền kinh nổi bật thời bấy giờ như: Nguyễn Văn Phương (400m rào nam), Phạm Đình Khánh Đoan (800m nữ), Nguyễn Duy Bằng (nhảy cao nam)…
Bước ngoặt đó đã khiến Nguyễn Thị Tĩnh (sinh năm 1981) trở thành một trong những gương mặt đáng chú ý nhất, được đầu tư trọng điểm cho SEA Games 2003 tại Việt Nam. Trước SEA Games 22 trên sân nhà vài tháng, Nguyễn Thị Tĩnh đi tập huấn tại Trung Quốc và dính chân thương gót chân nặng. “Sơn dương” tưởng chừng phải bỏ dở giấc mơ vàng trên sân nhà khi chấn thương lúc đó khiến cô rất đau đớn.
Ngày đó, nhờ sự quyết liệt của chuyên gia hướng dẫn mà Nguyễn Thị Tĩnh đã cải thiện được chấn thương và tiếp tục thi đấu. Lúc ấy, nhiều người đã biết về chuyện tình giữa Nguyễn Thị Tĩnh và Nguyễn Văn Phúc, một nam VĐV cũng tập cự ly 400m khác, nên nhờ sự can thiệp của HLV, Phúc đã được đi Trung Quốc tập huấn cùng Tĩnh. Vừa được dẫn tốc khi tập luyện, vừa được mát-xa, chăm sóc khi nghỉ ngơi… Nguyễn Thị Tĩnh đã hồi phục đánh kinh ngạc và tỏa sáng ở sân vận động Mỹ Đình cuối năm 2003.
SEA Games 22 ghi dấu ấn đậm nét của Nguyễn Thị Tĩnh khi cô xuất sắc giành huy chương vàng 200m, phá kỷ lục đại hội nội dung 400m với thành tích 51.82 và giành thêm huy chương vàng chạy tiếp sức 4x400m… Giành 3 trong tổng số 8 huy chương vàng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 22, Nguyễn Thị Tĩnh rất xứng đáng với danh hiệu Vận động viên tiêu biểu năm 2002.
Nhưng đó lại là những thành tích chói sáng cuối cùng của “sơn dương” Nguyễn Thị Tĩnh khi chị tái phát chấn thương và quyết định giải nghệ năm 2004. Nguyễn Thị Tĩnh và Nguyễn Văn Phúc kết hôn, rồi chị chuyển về làm công tác hành chính tại Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội.
Sau Nguyễn Thị Tĩnh, điền kinh Việt Nam xuất hiện thêm những tên tuổi sáng giá ở cự ly 400m như: Nguyễn Thị Huyền, người từng giành quyền tham dự Olympic Rio 2016 ở hai nội dung 400m và 400m rào, cũng như từng giành huy chương 400m rào giải Vô địch châu Á 2017; hay Quách Thị Lan – cô gái Thanh Hóa từng vô địch châu Á 2017 (400m), ASIAD 2018 (400m rào)…
Với tuổi nghề chỉ vỏn vẹn khoảng 5 năm, nhưng Nguyễn Thị Tĩnh đã đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam như một trong những chân chạy xuất sắc nhất. Có thể không nhiều người còn để ý đến cái tên Nguyễn Thị Tĩnh, nhưng thời điểm này cũng thật thiếu sót khi không nhắc đến tên chị – “sơn dương chạy 400m” của điền kinh Việt Nam.