Được tạp chí The Ring xếp hạng 13 trong danh sách những tay đấm vĩ đại nhất lịch sử boxing nhưng khi rời sàn đấu năm 2009, De La Hoya mới bắt đầu phát tiết và viết lại khái niệm “vĩ đại” trong con đường riêng của mình: Một doanh nhân thành đạt.
Khi De La Hoya đại diện cho nước Mỹ tham dự Thế Vận Hội 1992 Barcelona và giành HCV hạng nhẹ, dân trong nghề đã gọi ông bằng cái tên “Cậu bé vàng của làng boxing”. Bởi thành tích ấy đạt được chỉ vài tháng sau khi De La Hoya tốt nghiệp phổ thông.
Nhưng trong phần còn lại của sự nghiệp quyền Anh, De La Hoya đã nung nấu một ý tưởng khác. Ông không muốn dừng lại trong vai trò một võ sỹ chỉ biết dùng tới sức mạnh của nắm đấm để thể hiện bản thân. Với De La Hoya, kết thúc sự nghiệp “đánh đấm” chỉ là khởi đầu cho nhiều dự định lớn lao hơn ông âm thầm ấp ủ.
Năm 2002, đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, De La Hoya thành lập công ty quản lý, đại diện cho các tay đấm trẻ mới nổi. Ý tưởng ấy sớm lóe lên trong đầu De La Hoya sau một lần thượng đài với Fernando Vargas. Đó là một trận đánh khó khăn, và De La Hoya phải đợi tới hiệp thứ 11 mới có thể hạ knock-out đối thủ. “Tôi chợt nghĩ, sau boxing sẽ là gì? Làm sao sống mãi bằng nghề này được?”, De La Hoya trả lời tạp chí Forbes về lý do bắt đầu nghiệp kinh doanh.
Ba tháng trước ngày khởi nghiệp, một sự kiện khác xảy ra và nó càng thôi thúc ham muốn tự chủ của De La Hoya. Lúc ấy, ông tranh cãi với công ty quản lý Top Rank Boxing khi họ một mực cho rằng, De La Hoya phải chấp nhận mọi thỏa thuận tiền thưởng mà họ đưa ra. Còn lại, những thứ liên quan tới hợp đồng thương mại, tiền quảng cáo nhãn hàng sẽ do đơn vị này quản lý.
“Ngay thời điểm đó, tôi đã quyết tâm phải tách ra. Tại sao võ sỹ phải chấp nhận mạo hiểm sức khỏe, tính mạng mà không hề có quyền đàm phán lợi ích phía sau?”, De La Hoya nói tiếp.
Thuận lợi của De La Hoya là những người bạn thiếu thời của anh là dân tri thức cao. “Ở xung quanh tôi là những nhân vật xuất chúng, thông minh và nhạy bén với thị trường”, De La Hoya phân tích. Khi khởi nghiệp, De La Hoya thành lập công ty quản lý “Cậu bé vàng” theo đúng biệt danh giới mộ điệu đặt cho, xây dựng bộ quy tắc quản lý mới dưới tư vấn của Eric Gomez, người bạn thân lâu năm và là chuyên gia tài chính làm việc tại phố Wall.
“Giữa chúng tôi là sự tin tưởng tuyệt đối. 18 năm qua, Gomez là CEO, trực tiếp điều hành mọi công việc. Vai trò của tôi là kiểm soát ở cấp cao, đưa ra những tư vấn chuyên môn nhưng ở khía cạnh quản lý tài chính và đàm phán thương mại, người như Gomez mới có thể đưa ra tư vấn chuẩn xác nhất”, De La Hoya giải thích công việc của mình trên ESPN.
Trong gần hai thập kỷ, cơ sở De La Hoya gây dựng trở thành điểm đến tin cậy cho những tay đấm hàng đầu thế giới muốn có lộ trình phát triển bản thân bền vững. Hàng loạt tên tuổi lớn về đầu quân cho De La Hoya, tiêu biểu có Floyd Mayweather hay Manny Pacquiao, người đánh bại De La Hoya trong trận đấu cuối cùng của ông cách đây 11 năm.
Năm ngoái, De La Hoya giúp Canelo Alvarez giành được hợp đồng tài trợ lớn nhất lịch sử quyền anh, trị giá 365 triệu usd trong 5 năm với DAZN, đơn vị cung cấp giải pháp truyền hình thể thao trực tiếp lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh boxing đang đi xuống và xa rời nhãn hàng, đó thật sự là cú hích với sàn đấu sinh tử này.
Chưa dừng lại ở đó, De La Hoya tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng truyền hình boxing, khi đạt được thỏa thuận thu phí hàng tháng với DAZN. Chỉ với 19,99 usd mỗi tháng, NHM khắp thế giới có thể đón xem tất cả các trận đấu quyền Anh, thay vì phải bỏ hàng chục usd cho riêng lẻ mỗi trận như trước kia khi DAZN vận hành cách thu phí “xem bao nhiêu, trả bấy nhiều” giống như bóng đá.
Chiến lược đó thực sự rất thông minh, khi nó gián tiếp giúp boxing thu hút lượng fan trung thành quay trở lại màn hình. Sau trận đấu giữa Canelo và Jacobs ngày 04/05/2019, 630.000 tài khoản đã đăng ký hàng tháng trên hệ thống của DAZN. “Khi người tiêu dùng hưởng lợi, tất cả đều chiến thắng”, De La Hoya nhận định.
Đời tư phức tạp
Trên giấy tờ, De La Hoya trải qua 2 cuộc hôn nhân, lần đầu với Hoa hậu Mỹ 1995 Shanna Moakler và Millie Corretjer. Ông có 4 người con với hai bà vợ này, chưa kể 2 cậu con trai ngoài giá thú khác. Cuộc hôn nhân đầu tiên của De La Hoya tan vỡ vì ông bị Moakler bắt gặp đi vào khách sạn cùng người phụ nữ khác, cộng thêm tội danh lạm dụng rượu và ma túy. Năm 1998, De La Hoya tiêu tốn 62,5 triệu usd cho vụ ly hôn đó.
Ngày sinh: 04/02/1973
Quốc tịch: Mỹ – Mexico
Chiều cao: 1m79
Thi đấu chuyên nghiệp: 1992-2009
Hạng cân: Siêu Lông, Nhẹ, Dưới Trung, Bán Trung, Trung
Thành tích: 45 trận, Thắng 39, Thắng knock-out 30, Thua 6, HCV Olympic 1992
Tiền thưởng: 700 triệu USD
Theo Bongdaplus