Ngưỡng mộ tinh thần và ý chí của kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Oanh, một ông bố 61 tuổi ở TP.HCM có con theo nghiệp thể thao, đã viết tâm thư chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình…
Trở thành một trong những VĐV thành công nhất trong lịch sử điền kinh Việt Nam, Nguyễn Thị Oanh được rất nhiều người ngưỡng mộ vì những cố gắng không biết mệt mỏi của mình trên con đường chinh phục những đỉnh cao trong bộ môn mình yêu thích. Từ một cô bé nhỏ thó từng bị từ chối tuyển vào đội điền kinh đến những năm tháng chống chọi với bệnh viêm cầu thận tưởng chừng phải giải nghệ… nhưng Nguyễn Thị Oanh đã vươn lên để trở thành một trong những ngôi sao điền kinh nổi bật nhất Việt Nam vài năm qua.
Hâm mộ tài năng và nỗ lực của Nguyễn Thị Oanh, ông Sơn (61 tuổi) ở TP.HCM, người có con trai đang theo đuổi môn bóng đá, đã viết tâm thư kể về cuộc đời mình và những ảnh hưởng của Ỉn Oanh đến ông và gia đình.
“Chú là Sơn, từ Sài Gòn chú cảm phục Bạn Trẻ – Bé Hạt Tiêu! Tự hào người con Hà Bắc (chú quen gọi vậy hơn Bắc Giang). Hồi xưa để tránh bom Mỹ chú có về ở và học tại trường cấp 2 Hương Lâm – Hiệp Hòa trong khoảng 8 tháng, sau đó lại về lại Hà Nội rồi vào Sài Gòn. Cá nhân chú quý tính cách người Hà Bắc nhất, giỏi giang và sống lành nhất…
Khoe một chút với chị Oanh, con trai chú vừa qua tuổi 14 cao 1m85 đang là thành viên của đội U15 bóng đá Becamex Bình Dương. Chú mong có dịp nào đó chị em Oanh gặp nhau, chú và em sẽ dẫn chị Oanh đi ăn quà vặt ở Sài Gòn nhé.
Oanh là người chạy duy nhất mà chú chưa gặp ngoài đời mà nhắn tin tâm sự. Chú thích nhất ở Oanh là người đại diện cho ý chí Việt và là cô gái mang đậm tính Việt Nam nhất trong số các nữ vận động viên Việt. Chú mến mộ Oanh (ngoài lý do mà chú đã nói là một tâm hồn thuần Việt của Oanh) vì ngoài tố chất bẩm sinh thì phần ý chí của Oanh trong lúc chạy làm cho các đối thủ khá ngán: ý chí rất mạnh nhưng lại khá Tĩnh và khá Ẩn nên các đối thủ khó nhận ra và khi nhận ra thì đã quá muộn.
Khi Oanh chạy, mọi phần trên cơ thể (ví dụ lưng, hông, đùi…) kết hợp khá hoàn hảo để đẩy sải chân khi chạy nhìn rất đẹp và chuyên nghiệp. Vì chú đã từng có những năm tháng kiếm bữa ăn bằng việc đá bóng và giờ lại làm phụ huynh của con theo nghề thể thao nên chú phải sống hết với những mặt trái của nghề thể thao: Đằng sau sân cỏ và đường chạy là gì?
Bản thân chú đã từng trải qua những năm tháng sáng tập, chiều tập, thiếu ăn, rồi nhiều hôm trời mưa gió, sáng ra nhìn thấy quả bóng là ớn. Những vết bầm, vết trầy, đau cơ, đau khớp thường xuyên trên cơ thể, thậm chí chú còn phải mổ một cái đầu gối vì bóng đá. Hồi đó chú có một ước mơ là mình sẽ là một trong những cầu thủ vừa tốt nghiệp đại học vừa là cầu thủ chuyên nghiệp.
Khi chú còn là sinh viên thì vẫn hay được mời đi đá thuê, nhiều khi chỉ là vài đồng – tương đương với 1-2 tô phở, một ổ bánh mỳ, một bữa ăn sau thi đấu. Chú cũng chẳng phải xấu hổ gì với chị Oanh (chú cứ gọi thế thay em nhé) mà không kể ra chuyện này: có một công ty chăn nuôi thuê bọn chú đá, có một bữa ăn hoành tráng (vì là trại nuôi heo nên sau thi đấu cả đội được có một nồi cháo có hai con heo sữa) và vài đồng thưởng, chú không biết mấy đồng đội của chú nghĩ gì? Nhưng trong lúc thi đấu chú đã nghĩ đến bữa cháo heo sau khi đấu mà hăng hái thêm để đá tiếp.
Hồi còn niên thiếu, cứ 4:30 sáng, mùa hè cũng như mùa đông, bọn trẻ chú lại theo các anh ra sân vận động của trường đại học Bách khoa Hà Nội chạy chân trần trên đường chạy rải xỉ, chạy riết rồi sau này chú chạy các giải sinh viên 3000m và giành huy chương vàng, rồi liều làm cái việc mà dân chuyên nghiệp không ai làm là chạy luôn cả cự ly 100m (bạc) và cả nhảy xa…
Khi mà nhu cầu luyện tập nó đã ngấm vào người thì chú lại sống khá chỉn chu, Oanh à. Ban đầu chú không đi nhậu nhẹt, hút thuốc, hội hè, thức khuya vì tiếc công mình luyện tập. Sau này, trong cuộc sống, công việc của mình cũng nhờ việc luyện tập thể thao mà chú sống cũng rất chính trực, không luồn cúi và không dễ bị cám dỗ hay sa ngã.
Giờ làm bố của cầu thủ, 100 thứ lo, lo con chấn thương, lo con buồn, nhớ nhà, chểnh mảng học văn hóa, lo con ốm đau, lo con ra ngoài rồi các nhóm thiếu niên địa phương gây sự, lo tuổi dậy thì xa nhà… lo bị rủ rê việc xấu… Lo bạc đầu luôn đó chị Oanh!
Thật lòng là trong thâm tâm chú chỉ mong con trai thành người trước khi thành nghề thôi. Mong con thành sao như chị Oanh thì chú chưa nghĩ đến, chỉ vì con đam mê, có chút năng khiếu và chịu tập nên chú chiều con thôi!
Hiện tại và sau này, việc chạy sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của chị Oanh? Còn với chú việc chạy bộ không những là một người bạn tốt nhất và nhiều lúc là cứu cánh, mà còn là chỗ cuối cùng để chú bấu víu, dựa dẫm. Nhiều người khi gặp thất bại hay buồn phiền trong cuộc sống thì họ lại tìm đến cửa chùa, nhà thờ cầu xin, hay tệ hơn là xả stress bằng những việc như nhậu nhẹt, hút chích… Còn chú thì sẽ xỏ đôi giày ra công viên chạy, đôi khi vừa chạy vừa chảy nước mắt, chạy như lê như lết, chạy như kẻ mộng du, nhưng vẫn cứ tự động viên mình chạy, tự nhủ rằng bây giờ mà dừng lại là sẽ gục xuống, sẽ thất bại…
Cuộc đời đôi khi mình sống giữa chốn đông người mà cảm giác cô độc như chẳng có ai, không có người thân, không có lấy một người bạn, tất cả như lánh xa mình. Duy nhất chỉ có một người bạn không những chưa bao giờ bỏ chú mà ngược lại luôn dang rộng vòng tay đón chú, kể cả khi vui và khi muộn phiền, không bao giờ có một lời trách móc hay hờn dỗi: chạy bộ. Chú cứ lê lết (ít nhất 7km ) và rồi khi hoàn thành, chú đã kịp lấy lại được thăng bằng và nhìn mọi việc tích cực hơn.
Chú chúc Oanh giữ gìn sức khỏe và thành công hơn nữa, nhất là ở SEA Games 31 sắp tới nhé!”.
Theo webthethao.vn