Khi V-League căng thẳng hơn bao giờ hết

Thể thức khắc nghiệt khiến các trận V-League mùa này luôn căng thẳng đến nghẹt thở và ẩn chứa nhiều bất ngờ khó đoán.

Buộc HAGL (áo vàng) phải cưa điểm với tỷ số hòa 0-0 cho thấy Hà Tĩnh vẫn có lý do để lạc quan dù đang đứng chót bảng. Ảnh: Đức Hùng

Buộc HAGL (áo vàng) phải cưa điểm với tỷ số hòa 0-0 cho thấy Hà Tĩnh vẫn có lý do để lạc quan dù đang đứng chót bảng. Ảnh: Đức Hùng

Vòng 4 V-League vừa kết thúc hôm 21/3 có thể xem là khởi đầu mới của mùa giải sau các thay đổi vì hoàn cảnh khách quan ở ba vòng đầu tiên. Gần như ngay lập tức, sự căng thẳng của giải đấu được tái lặp.

Nếu năm trận đấu bù của vòng 3 có đến 12 bàn, đồng thời xuất hiện các tỷ số có cách biệt, thì bảy trận của vòng 4 cũng chỉ có 12 bàn, trong đó năm bàn đến từ trận Hà Nội – Thanh Hóa. Nói cách khác, bầu không khí “nghẹt thở” của hai vòng đấu đầu tiên đã trở lại, sân cỏ V-League hứa hẹn sẽ còn nhiều bất ngờ khó đoán.

Gần 10.000 khán giả đến sân Hà Tĩnh để hy vọng một trận cầu đôi công đẹp mắt giữa đội nhà với HAGL của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… và HLV Kiatisuk. Nhưng trận này kết thúc với tỷ số 0-0 dù diễn biến chưa đến mức “ru ngủ”. Hai đội vẫn chọn cách tiếp cận trận đấu chủ động, nhưng vấn đề là dường như cả hai HLV đều tìm cách phá lối chơi của đối thủ hơn, là tìm cách giành chiến thắng. Tổng số cú sút của cả hai đội chỉ là 10, trong đó chỉ bốn đi đúng hướng cầu môn. Số này thậm chí còn ít hơn một mình đội Nam Định thực hiện – 14 cú sút – trong trận đấu với ĐKVĐ Viettel.

Một điểm qua bốn trận đương nhiên không phải là hiện thực tốt đẹp với Hà Tĩnh, nhưng HLV Phạm Minh Đức không quá thất vọng. Đúng là Hà Tĩnh khởi đầu mùa này kém hơn hẳn mùa trước – bốn điểm sau bốn trận đầu, nhưng hiệu số bàn thắng – thua của họ hiện nay chỉ mới là -4, tốt hơn hiệu số cuối mùa trước (-5). Dù đứng cuối bảng, Hà Tĩnh vẫn đang giữ được phong độ của riêng họ. Qua bốn trận, thầy trò ông Phạm Minh Đức mới thủng lưới 5 bàn, còn tốt hơn cả Hà Nội (7 bàn) và Nam Định (8 bàn), và bằng Bình Dương.

Chưa biết HLV Phạm Minh Đức sẽ cải thiện hàng công ra sao khi Hà Tình mới ghi được một bàn, nhưng chí ít, lựa họn của ông về cách tổ chức trận đấu vẫn đang đi đúng những diễn biến khó lường của V-League mùa này.

Thống kê bước đầu cho thấy xu hướng phòng ngự, vốn rất thành công ở mùa trước, vẫn đang thống trị. Sau 28 trận đấu đã diễn ra, có đến 12 trận kết thúc với tỷ số 1-0, và ba trận hòa, tức là chiếm đến hơn 50%. Chỉ sáu trận kết thúc với cách biệt từ hai bàn trở lên và cũng chỉ có ba trận đấu có tổng số bàn thắng nhiều hơn 3. Rõ ràng, câu chuyện của giai đoạn đầu V-League mùa này không phải là ghi được bao nhiêu bàn, mà là đứng để thủng lưới quá nhiều. Ngoài Hà Tĩnh đang có hiệu số -4, các đội còn lại đều nằm trong khoảng +2 đến -2. Cách biệt giữa đầu bảng Đà Nẵng đến Bình Dương đứng thứ 10 chỉ là 3 điểm, và chênh lệch 3 bàn thắng.

Hà Nội 3-2 Thanh Hóa là trận cầu hiếm hoi có nhiều bàn thắng từ đầu V-League 2021. Ảnh: Giang Huy

Hà Nội 3-2 Thanh Hóa là trận cầu hiếm hoi có nhiều bàn thắng từ đầu V-League 2021. Ảnh: Giang Huy

HAGL là một ví dụ của thứ bóng đá thực dụng đang bảo trùm V-League. Sự có mặt của Kiatisak tưởng sẽ giúp đội bóng phố Núi tăng chất hào hoa, nhưng ngược lại, họ đang rắn chắc như một khối gỗ già từ đại ngàn. Từ chỗ thường xuyên thủng lưới trung bình hai bàn mỗi trận như trong năm mùa đã qua, thì sau bốn trận đầu mùa, HAGL chỉ mới để thua ba bàn. Những trận đấu của HAGL hiện nay có màu sắc chiến thuật nhiều hơn kiểu chơi vô tư, “đá đẹp, thua cũng được” như trước khi Kiatisak đến.

Trong bốn trận đã qua, không trận nào HAGL sút quá 10 lần, nhưng ở khía cạnh phòng ngự, họ cũng chưa để cho đối thủ nào sút quá tám lần. Việc Kiatisak để Công Phượng đá thấp hơn, chơi theo kiểu của Lee Nguyễn ở CLB TP HCM, có lẽ là kế hoạch để chuẩn bị cho một HAGL sẽ đá phòng ngự – phản công. Cách chơi này hứa hẹn sẽ chú trọng vào tốc độ chuyển trạng thái của những tiền vệ có tư duy chơi bóng tốt mà HAGL đang sở hữu nhưng chưa khai thác tốt bấy lâu nay. Cách nhìn nhận của Kiatisak chẳng khác gì đồng đội thời còn đá ở HAGL là Phạm Minh Đức.

V-League hiện không còn đội lót đường, việc “đè” đối phương ra đá đang trở nên quá rủi ro. Chiến thắng chật vật của Hà Nội FC trước Thanh Hóa là một ví dụ. Dù thắng, đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm vẫn đang “đi dây” giữa thắng và bại. Hà Nội dẫn 2-0 từ rất sớm, nhưng theo thống kê của trận đấu, Thanh Hóa mới là đội tấn công nhiều hơn, sút cầu môn ngang với Hà Nội và suýt chia điểm.

Tương tự Hà Nội, Nam Định cũng ở trong tình trạng “công không xong, thủ không được”. Ba mùa gần đây, cứ mỗi khi được quyền mùa sắm, là HLV Nguyễn Văn Sỹ lại cố gắng đưa về các ngoại binh cho hàng tấn công. Ngày trước, đó là chọn lựa bắt buộc của các đội bóng yếu. Nhưng hiện nay, thời thế đã thay đổi, việc gia cố hàng phòng ngự mới là phương pháp hiệu quả nhất. Mùa trước, Hà Tĩnh lọt vào top 8 nhờ thành tích để thủng lưới 12 bàn qua 13 trận của giai đoạn I, dù khi đó họ chỉ ghi được 14 bàn. Sau khi trụ hạng thành công, đội bóng của HLV Phạm Minh Đức đá thoải mái và nhận đến 12 bàn thua chỉ sau bảy trận ở giai đoạn hai.

Chính vì vậy, dù Hà Tĩnh đang chót bảng, HLV Phạm Minh Đức vẫn chẳng có gì buồn phiền. Ngược lại, Nam Định của HLV Nguyễn Văn Sỹ dường như bắt đầu lo lắng. Ghi bàn nhiều nhất (6 bàn) và cũng thủng lưới nhiều nhất (8 bàn), đó là các con số của một đội chưa biết phải làm gì để tồn tại.

Theo vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *