Chuyện tài năng trẻ Thể dục dụng cụ Việt Nam gây sốt Đông Nam Á

 

Lúc mới 16 tuổi, Nguyễn Văn Khánh Phong khiến làng TDDC choáng váng khi là người duy nhất đại diện khu vực dự Olympic trẻ 2018 và xuất sắc xếp hạng 8.

Câu chuyện của Nguyễn Văn Khánh Phong cũng như bao VĐV môn TDDC đã thành danh khác. Chàng trai sinh năm 2002 sớm lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch lúc mới 6 tuổi. Vóc dáng nhỏ nhắn nhưng dẻo dai khiến các nhà chuyên môn ấn tượng bởi cậu bé này.

Ngay sau đó, Khánh Phong bắt đầu ăn tập chuyên nghiệp năm 7 tuổi. Cậu bé nhỏ nhắn ngày nào xa gia đình để tuân thủ theo quy trình đào tạo chuyên nghiệp, ăn, ở, sinh hoạt tập trung, tối học bổ túc văn hóa. Trong hơn 11 năm khổ luyện, chấn thương luôn mang đến nỗi ám ảnh với không chỉ Phong mà những đàn anh, đàn chị khác. 

“Trước thềm thi đấu Olympic trẻ thế giới 2018, tôi bị chấn thương cổ tay do tập luyện cường độ cao. Tôi không thể bỏ cuộc vì để giành tấm vé thi đấu thế giới, tôi phải tranh đấu nghẹt thở với các VĐV đến từ 20 quốc gia tại Indonesia. Tôi bỏ qua chấn thương, bước lên bục thi đấu hoàn thành bài thi trong nước mắt và đau đớn. Giờ chấn thương của tôi đã bình phục nhưng khớp tay vẫn bị lệch do tập luyện quá nhiều”, Khánh Phong nhớ lại.

Khánh Phong đang tạo những dấu ấn trong sự nghiệp TDDC.

Cụm từ bỏ cuộc không bao giờ len lỏ trong tư tưởng của Phong. Anh luôn cần mẫn, chịu khó và tìm mọi cách để vượt lên số phận. Trái ngọt đến với Phong là điều tất yếu như chia sẻ của HLV Võ Đình Vinh, người trực tiếp huấn luyện anh: “Sự cần cù, bền bỉ tập luyện bao năm đã giúp Khánh Phong làm nên những cú santo để đời”.

Những cú santo để đời! Đó là những gì giới chuyên môn của bộ môn TDDC hay nhắc đến Phong. Để rồi, nó tạo ra chỗ đứng riêng cho VĐV mới 18 tuổi này. Anh được đánh giá là VĐV triển vọng để tiếp nối những “đàn anh” Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành, Đặng Nam,…

Niềm tin không chỉ đến từ những thành tích mà các tố chất của Phong khiến giới chuyên môn ấn tượng. Ông Bùi Trung Thiện, Trưởng bộ môn Thể dục Tổng cục TDTT phân tích: “Khánh Phong có tố chất phù hợp với môn TDDC như lồng ngực rộng, tay khỏe, có sự linh hoạt và khả năng thích nghi tốt.

Cậu ấy được tập luyện từ nhỏ, và nay đã có những bước trưởng thành qua hơn 4 năm được bố trí tập huấn tại Hungary, nơi có điều kiện ăn, nghỉ, tập luyện đúng giờ, chế độ ăn bảo đảm khoa học, đủ dinh dưỡng, có sự chăm sóc hồi phục tốt, có thuốc bổ trợ tăng cường sức khỏe, chống xốp cơ xương.

Sự tỉ mẫn, cần cù giúp Phong có những bước tiến dài. 

Ưu điểm nữa của Phong là có ý thức chuyên nghiệp trong luyện tập. Luôn chấp hành tốt kỷ luật, hoàn thành khối lượng giáo án của HLV, đặc biệt là có tâm lý ổn định, tập được là thi được”.

Tất cả đó hun đúc cho một Khánh Phong dạn dày kinh nghiệm dù tuổi đời còn khá trẻ. Năm 2018, khi mới 16 tuổi, anh thi đấu ở Giải Trẻ châu Á. Phong xuất sắc lọt vào nhóm một trong 7 VĐV châu Á giành vé dự Olympic Trẻ 2018 tại Argentina. Anh chính là VĐV duy nhất đại diện cho Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á dự tranh đại hội lớn này. Và ở Buenos Aires (Argentina), Phong vượt xa sự mong đợi khi cán đích ở vị trí thứ 8 nội dung xà kép. 

Cũng trong năm này, anh tạo dấu ấn vang dội ở đấu trường giải Cúp trẻ thế giới ở Hungary với chiến tích giành 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Không tự mãn, Khánh Phong luôn chăm chỉ tập luyện. Năm 2019, anh được triệu tập lên ĐTQG để tập cùng Lê Thanh Tùng, VĐV duy nhất của TDDC Việt Nam giành vé dự Olympic Tokyo 2021, dưới sự dẫn dắt của chuyên gia người Hàn Quốc. Mới nhất, Phong ẵm 5 HCV ở giải trẻ toàn quốc 2020 vừa kết thúc ở Hà Nội.

Những bước tiến thần tốc đó mang đến tín hiệu lạc quan cho TDDC cũng như thể thao Việt Nam. Vấn đề còn lại là lộ trình và kế hoạch của những nhà quản lý thể thao để nâng tầm, phát triển tài năng của Khánh Phong.

Theo Webthethao.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *