Đua xe công thức 1: Những điều thú vị về “Chế độ tiệc tùng” của động cơ F1

 

Từ mùa giải năm 2018, chế độ động cơ “tiệc tùng” (party mode) trở thành một trong những vấn đề thảo luận sôi nổi nhất trên đường đua F1, cũng như trong cuộc chiến động cơ.

Với việc Liên Đoàn Ôtô Thế Giới (FIA) dự định cấm các đội đua sử dụng chế độ động cơ trên bắt đầu từ nửa sau mùa giải 2020 hoặc từ mùa giải 2021. Qua đó sẽ chấm dứt cuộc thảo luận về chế độ động cơ đặc biệt được sử dụng trong các vòng đua phân hạng.

Từ khi được đưa vào sử dụng từ mùa giải 2014, động cơ V6 Turbo Hybrid có bốn nhà cung cấp động cơ: Mercedes, Ferrari, Renault và Honda. Qua các năm, các nhà cung cấp động cơ luôn tìm những cách để nâng cấp động cơ và tìm ra các giải pháp cải tiến. Thế nhưng, chỉ có một cái tên thực sự thống trị giai đoạn động cơ này là Mercedes. Trong tổng số 127 chặng đua từ mùa giải 2014 cho đến nay, xe mang động cơ Mercedes đã giành 101 pole trong quãng thời gian này.

Đua xe F1: Những điều thú vị về Chế độ tiệc tùng của động cơ F1 - Ảnh 1.

Từ khi động cơ V6 Turbo Hybrid được đưa vào sử dụng, Mercedes vẫn là tiêu chuẩn mà các đội đua khác cố gắng theo đuổi

Việc động cơ Mercedes thống trị các chặng đua phân hạng phần lớn nhờ “Chế độ tiệc tùng” (Party mode). Đây là cái tên được Lewis Hamilton đặt ngay trước thềm GP Australia vào mùa giải 2018. Chế độ động cơ này chỉ sử dụng ở các vòng phân hạng (đặc biệt là vòng phân hạng cuối Q3) hoặc là quãng thời gian ngắn trong chặng đua chính thức.

“Chế độ tiệc tùng” là chế độ động cơ mạnh nhất của chiếc xe F1. Qua đó sử dụng hết công suất của động cơ đốt trong (ICU) trên các đoạn đường thẳng và hệ thống thu hồi năng lượng (ERS) khi tăng tốc ra khỏi khúc cua để đạt thành tích một vòng phân hạng nhanh nhất. Đặc biệt trên các đoạn đường thẳng, số vòng quay của động cơ đốt trong sẽ tăng lên thêm khoảng 300-400 vòng một phút (RPM) và hệ thống ERS được sử dụng nhanh đến gấp đôi so với điều kiện đua thông thường.

Đua xe F1: Những điều thú vị về Chế độ tiệc tùng của động cơ F1 - Ảnh 2.

Số liệu vòng đua phân hạng của Lewis Hamilton tại GP Australia vào năm 2018. Vòng giành pole (màu hồng), vòng đầu tiên của Q3 (màu tím) và vòng nhanh nhất ở Q2 (màu xanh lá cây)

Dựa vào số liệu từ vòng đua phân hạng tại GP Australia vào năm 2018, ta có thể thấy việc sử dụng chế độ “tiệc tùng” của động cơ giúp Hamilton giành pole. Số liệu của vòng giành pole (màu hồng) cho thấy tốc độ xe của Hamilton nhanh hơn hai vòng so sánh với phần còn lại. Cho dù tốc độ trung bình của xe chỉ tăng thêm khoảng từ 3-4 km/h, thế nhưng khi sử dụng chế độ động cơ này, thời gian xe chạy qua một vòng sẽ rút ngắn xuống gần 1 giây hoặc hơn tuỳ thuộc vào các điều kiện khác nhau. Đây chính là lý do các nhà cung cấp động cơ F1 tập trung vào nhiều nhất trong việc nâng cấp động cơ trong các mùa giải vừa qua.

Với việc các đội đua phải đảm bảo độ bền của động cơ, khi một động cơ F1 phải sử dụng trung bình qua 6-7 chặng đua. Cũng như việc “Chế độ tiệc tùng” ít khi được sử dụng và giảm đi sức bền của động cơ. Cộng thêm với mong muốn của các đội đua muốn việc tranh tài F1 sòng phẳng hơn khiến FIA đưa ra quyết định cấm sử dụng chế độ động cơ này.

Đua xe F1: Những điều thú vị về Chế độ tiệc tùng của động cơ F1 - Ảnh 3.

Việc chế độ động cơ “tiệc tùng” không còn được cho phép sử dụng sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển động cơ cũng như về kết quả sau này

Việc FIA đưa ra lệnh cấm với chế độ động cơ “tiệc tùng” sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến việc các nhà cung cấp động cơ tìm ra các giải pháp nâng cấp mới cũng như tạo ra một cuộc đua hấp dẫn hơn giữa các đội đua trong tương lai sau này.

 

Theo VTV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *