Liên đoàn Triathlon Việt Nam có thể “bao thầu trọn gói” ở SEA Games 31

 
Nếu Triathlon được xem xét đưa vào thi đấu chính thức tại SEA Games 2021, Liên đoàn Triathlon Việt Nam có thể tự bỏ tiền tổ chức môn này…

Triathlon là một trong số 11 môn thể thao nằm trong danh sách xem xét “vé vớt” các nội dung thi đấu chính thức của SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam năm 2021. 4 môn trong số này sẽ được bổ sung vào danh sách 36 môn chính thức mà Việt Nam đã lựa chọn. Cơ hội nào cho Triathlon chính thức tham dự SEA Games 31? Vai trò của Liên đoàn Triathlon Việt  Nam như thế nào trong cuộc vận động này?

 

Ông Dương Đức Thủy trả lời phỏng vấn webthethao.vn

Webthethao: Xin ông đánh giá về tình hình phong trào triathlon tại Việt Nam hiện nay?

Ông Dương Đức Thủy: Tình hình triathlon tại Việt Nam cũng nằm trong trào lưu chung với các môn thể thao khác hiện nay. Rất nhiều giải thể thao đã bị hoãn hoặc hủy do sự bùng phát lần thứ hai của dịch COVID-19. Một số khu vực ảnh hưởng nặng nhất là Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu… nhưng nơi gắn liền với du lịch, có lượng người tập trung lớn. Với tình hình như hiện tại thì sẽ rất khó có thể tổ chức một sự kiện thể thao nào đó từ nay đến tận cuối năm 2020.

Nguyện vọng của cộng đồng chơi triathlon tại Việt Nam hiện nay là rất muốn có một cuộc đua, vừa để chứng tỏ khả năng sau một thời gian tập luyện, vừa để giải tỏa sự bó buộc trong thời gian qua. Vì cũng giống như những môn thể thao khác, bạn không thể chỉ tập chay, không có cơ hội thi đấu cọ xát mà vẫn giữ được phong độ đỉnh cao của mình.

– Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng thế nào đến các giải triathlon tại Việt Nam, thưa ông?

Trước mắt là giải TRI-Factor Việt Nam có lịch tổ chức Vũng Tàu vào 2/8/2020 và kế đó là giải Ironman ở Đà Nẵng… cả hai giải đều đã bị hủy vì dịch COVID-19. Đây đều là những giải triathlon quan trọng tại Việt Nam, là nơi để đánh giá trình độ của các VĐV trước khi tham dự các giải đấu lớn khác.

Riêng giải Người sắt ở Đà Nẵng còn là một trong ba giải có kết quả được sử dụng để tính chuẩn dự các giải thế giới. Đây là giải đấu mà các vận động viên chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia, cũng như các VĐV nghiệp dư chọn để thử sức mình. 

Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã phải bỏ một số giải đấu khác, dù có quy mô nhỏ nhưng lại là những nơi rất có tiềm năng để tổ chức các giải triathlon. Nếu vì dịch bệnh mà tất cả các giải đấu này ở Việt Nam bị hủy bỏ thì thật sự rất đáng tiếc. 

– Hoạt động của các VĐV đội tuyển quốc gia triathlon, duathlon kể từ sau SEA Games 30 đến nay như thế nào?

Toàn bộ thành viên của đội tuyển quốc gia sau khi tham dự SEA Games 30 thì cũng mỗi người một công việc khác nhau. Một số VĐV tạm gọi là có tính chuyên môn cao như Nguyễn Thị Phương Trinh, huy chương đồng duathlon, Lâm Quang Nhật hay Nguyễn Thị Kim Tuyến vẫn đang duy trì phong độ tập luyện chuyên nghiệp. Do khó khăn về môi trường nước tập luyện như hiện nay, nên các VĐV này chủ yếu tập ở những nơi thoáng đãng, ít tập trung người để tránh lây nhiễm bệnh.

Trước giải TRI-Factor, các VĐV này đã có ở Vũng Tàu cả hai tuần để làm quen môi trường thi đấu. Một số VĐV có chuyên môn về sư phạm như Phạm Thúy Vi, Lâm Quang Nhật… thì đã có những bài chia sẻ về kinh nghiệm tập luyện, thi đấu sao cho tốt trên các phương tiện truyền thông…

Còn đối với các nội dung như đạp xe và chạy thì các VĐV vẫn tập luyện bình thường. Khu đô thị Sala ở TP.HCM là nơi một số thành viên đội tuyển quốc gia chọn để làm nơi tập luyện thường xuyên.

Ngoài ra, toàn bộ thành viên đội tuyển quốc gia vẫn đang tập luyện trực tuyến qua mạng với chuyên gia người Singapore. Tất cả những bài tập của HLV này đưa ra đều được các tuyển thủ thực hiện rất tốt.

– Thực trạng và quá trình chuẩn bị cho việc thành lập Liên đoàn Triathlon Việt Nam?

Tính đến thời điểm này thì hồ sơ để thành lập ban vận động, nhưng bước thủ tục cơ bản để thành lập Liên đoàn Triathlon Việt Nam đã được chúng tôi hoàn tất và trình Tổng cục Thể dục Thể thao, chỉ chờ phê duyệt. Từ giờ đến thời điểm tổ chức đại hội chính thức thì sẽ còn một vài công đoạn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng đỉnh dịch lần này nhanh chóng qua đi để các thành viên ban vận động có nhiều thời gian ngồi bàn bạc với nhau về công tác hoạt động sắp tới.

Thành viên ban vận động Liên đoàn Triathlon Việt Nam là những người đầu tiên chơi môn này, nắm bắt phong trào rất rõ, đều có chung nguyện vọng để thống nhất các nhóm, câu lạc bộ triathlon trên tất cả các vùng miền đất nước.

Cách thức hoạt động của Liên đoàn Triathlon Việt Nam về cơ bản cũng không khác nhiều so với liên đoàn các môn thể thao khác. Hiện tại, nếu nhìn lại một số môn thể thao cơ bản, mặc dù đã có liên đoàn nhưng vai trò chủ đạo, vai trò chuyên môn chính của liên đoàn lại rất mờ nhạt. 

Khi đã thành lập liên đoàn, phải làm sao để giảm bớt gánh nặng của các cơ quan quản lý Nhà nước. Vấn đề đầu tiên là kinh phí, thứ hai là bộ máy. Khi đã tinh gọn bộ máy hoạt động của các cơ quản lý Nhà nước thì hệ thống liên đoàn sẽ hỗ trợ tốt trong các khâu như quản lý phong trào, tổ chức các giải đấu, phát triển các hình thức thi đấu…

Chốt lại, những khâu quan trọng nhất của việc thành lập Liên đoàn Triathlon Việt Nam đã “đầu xuôi đuôi lọt” và chỉ chờ thời điểm để tổ chức đại hội chính thức.

– Việc thành lập Liên đoàn Triathlon Việt Nam mang đến những lợi ích gì đối với phong trào và các CLB địa phương, thưa ông?

Trong khi chờ Liên đoàn Triathlon Việt Nam chính thức ra mắt thì chúng tôi được biết có ít nhất từ 5-7 liên đoàn địa phương cũng muốn được thành lập để phát triển phong trào. Đơn cử như Đà Nẵng, anh chị em rất mong muốn được thành lập liên đoàn triathlon địa phương, nhưng muốn chờ Liên đoàn Triathlon Việt Nam chính thức ra mắt.

Lợi ích đầu tiên là “danh chính ngôn thuận”. Một quốc gia có một liên đoàn đại diện cho những người tập luyện và thi đấu một môn thể thao cụ thể, đặc biệt Triathlon lại là môn thể thao Olympic. Khi đã có Liên đoàn Triathlon Việt Nam rồi thì việc cử VĐV tham dự các giải quốc tế hoặc đăng cai các giải quốc tế ở Việt Nam sẽ mang ý nghĩa chính thức, uy tín cao hơn.

Thông qua việc thành lập Liên đoàn Triathlon Việt Nam, chúng ta có thể liên kết với những tổ chức khác như Bộ Giáo dục và Đào tạo chẳng hạn, để đưa môn bơi vào chương trình phổ cập cho học sinh các cấp. Chúng ta có thể phát triển các liên đoàn nhỏ khác như duathlon, aquathlon thông qua việc chọn lựa được những địa phương có thế mạnh về tổ chức các môn này, hay thậm chí đề ra phương hướng để phát triển những VĐV có khả năng ở những nội dung là nhánh nhỏ của môn triathlon để thành lập các đội tuyển có thể mạnh rất riêng.

– Trong danh sách các môn thể thao góp mặt ở SEA Games 31 năm 2021, không có mặt triathlon và duathlon. Tại sao lại như vậy thưa ông?

Chúng tôi bắt tay vào làm đề án trình đưa Triathlon vào chương trình thi đấu SEA Games 31 từ năm 2017. Mặc dù lúc đó phong trào chơi triathlon ở Việt Nam đã có, có một số VĐV đã tham dự cả giải thế giới, châu lục… nhưng quả thật lúc đó phong trào vẫn chưa thật sự mạnh. Tính từ 2017 đến ASIAD 2018 thì chúng ta vẫn chưa có đội tuyển tham dự các giải đấu lớn, các VĐV tham gia các giải đấu khác chỉ với tư cách cá nhân.

Thời điểm đó, ở ta đã có những giải như IRONMAN và những quốc gia có phong trào triathlon mạnh như Philippines, Thái Lan, Singapore… cũng đã cử đội tuyển sang thi đấu cọ xát. Họ đến nước ta thi đấu không chỉ với lực lượng VĐV mà còn cả người đi cổ vũ rất đông đảo. Và chúng tôi nhận được câu hỏi là tại sao đến lúc này Việt Nam vẫn chưa có đội tuyển quốc gia, hay liệu Việt Nam có tham dự Triathlon SEA Games 2019 không?

Và đó chính là tiền đề và động lực để chúng tôi thành lập đội tuyển quốc gia. Và khi đến với Subic tham gia SEA Games 30, đội tuyển Việt Nam đã có một tấm huy chương đồng môn Duathlon của Nguyễn Thị Phương Trinh…”

– Liệu có khả năng triathlon và duathlon được đưa vào nội dung thi đấu của SEA Games 30?

Với cá nhân tôi, ngoài việc mong ước thì vẫn có niềm tin Triathlon được chọn. Nước chủ nhà Việt Nam đã chọn 36 môn chính thức nhưng sẽ có 11 môn được đề xuất và các quốc gia tham dự sẽ cùng chọn ra 4 môn nữa để đưa vào danh sách thi đấu của SEA Games 31.

Theo các thông tin bên ngoài tôi được biết thì hiện có 5 quốc gia mong muốn đưa Triathlon vào danh sách chính thức, là: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines. Thậm chí, Campuchia – quốc gia chủ nhà SEA Games 2023 cũng đã trình đề án đưa Triathlon và nội dung thi đấu, với cả hai phân môn nhỏ là Duathlon và Aquathlon. Đó chính là tiền đề để chúng ta thấy Triathlon có lợi thế trong cuộc đua lần này.

Điều khó khăn lúc này chỉ là số bộ huy chương. Theo tính toán thì ngoài môn chính là Triathlon ra thì cùng hai phân môn Duathlon và Aquathlon, sẽ có khoảng 10 bộ huy chương cho các nội dung thi đấu đơn, tiếp sức… 

Khi một quốc gia đề xuất đưa môn thể thao nào đó vào danh sách thi đấu thì còn căn cứ vào số lượng bộ huy chương và khả năng giành huy chương để có thể cải thiện bảng tổng sắp chung của họ. Vì vậy, tính đến lúc này thì tạm coi là đang có 5 quốc gia có mong muốn đưa Triathlon vào danh sách thi đấu chính thức của SEA Games 31.

Thêm một điều nữa để tôi tin tưởng rằng Triathlon có thể được đưa vào danh sách thi đấu chính thức của SEA Games 31 là Liên đoàn Triathlon Việt Nam hoàn toàn có thể đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức môn này mà không cần đến ngân sách của Nhà nước.

Liên đoàn Triathlon Việt Nam dự kiến tổ chức đại hội chính thức vào tháng 9. Tuy nhiên, với tình hình dịch COVID-19 như hiện nay, dự kiến đại hội Liên đoàn Triathlon Việt Nam có thể phải lùi xuống cuối năm 2020. Và tại cuộc họp bàn của các Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á tháng 11 tới đây, 4 trong số 11 môn thể thao đề xuất sẽ được chọn “vé vớt”, nâng tổng số môn thi đấu chính thức của SEA Games 31 lên 40.

SEA Games 31 dự kiến tổ chức từ 21/11- 2/12/2021 tại Hà Nội và một số địa phương lân cận như Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh… Nếu Triathlon được chọn, nhiều khả năng Tuần Châu (Quảng Ninh) sẽ là nơi tổ chức, bên cạnh môn bóng chuyền bãi biển và bơi đường trường.

Theo Webthethao.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *