Loạn nhịp với bóng chuyền Việt Nam

Bóng chuyền Việt Nam trong hơn 1 tháng qua đã xảy ra nhiều biến động. Đội bóng giàu truyền thống đánh mất giá trị thương hiệu của mình, còn một đội mạnh khác thì nhiều HLV, VĐV tên tuổi tháo chạy hàng loạt
Bích Tuyền trong một pha tấn công /// Nhựt Quang

Bích Tuyền trong một pha tấn công

NHỰT QUANG
Đầu tiên là cuộc chuyển giao đội nữ Truyền hình Vĩnh Long về Ninh Bình khiến không ít người hâm mộ bóng chuyền ĐBSCL tiếc nuối, mới đây một trong những tên tuổi hàng đầu của làng bóng chuyền nữ hiện tại là Ngân hàng Công thương đối diện với nguy cơ… không đủ VĐV để thi đấu ở mùa giải mới.
Lần lượt, từ các HLV bóng chuyền gồm Nguyễn Thị Thúy Oanh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Phạm Thị Kim Huệ cho đến các tay đánh chủ lực Trần Tú Linh, Nguyễn Thị Xuân, Lưu Thị Huệ, Vi Thị Như Quỳnh, Nguyễn Thị Thu Hoài, Dương Thị Ninh Anh… đã nói lời chia tay đội bóng, hoặc đang chờ thanh lý để được tự do ra đi.
Đáng tiếc khi cả hai đội bóng kể trên từng góp phần tạo nên một giai đoạn rực rỡ cho sân chơi trong nước, tạo nên một phong cách riêng có đủ sức tranh chấp gay cấn cùng những tên tuổi lớn khác như VTV Bình Điền Long An, Thông tin Liên việt Post Bank tạo nên cuộc đua nhiều màu sắc.
Dĩ nhiên trong cơ chế thị trường việc một địa phương, doanh nghiệp mua suất kèm cả đội bóng hay tìm cách rút ruột VĐV từ đơn vị khác là điều không hiếm. Trong bóng đá LG.HN.ACB từng sáp nhập Hàng không VN (V-League 2004), Navibank mua lại Quân khu 4 (V-League 2010), CLB Thanh Hóa mua lại Thể Công (V-League 2010) hay HN.ACB sát nhập Hòa Phát.HN (V-League 2012) hay bóng chuyền cũng có trường hợp Vietsopetro chuyển nhượng cho Bia Sài Gòn Thái Bình Dương năm 2013, song cuối cùng đổ bể.
Bóng chuyền Việt Nam: Loạn nhịp! - ảnh 1

Kim Huệ chia tay Ngân hàng Công Thương

CTV

Nhưng thời điểm này sự chuyển đổi đó ở Vĩnh Long gây ngỡ ngàng cũng như việc tháo chạy hàng loạt ở Ngân hàng Công thương đang tạo ra hệ lụy khiến cho bóng chuyền loạn nhịp. Chẳng hạn trường hợp Vĩnh Long, có phải tất cả chỉ vì không có tiền để đầu tư? Trường hợp Bích Tuyền nếu có ra đi thì vài tỉ đồng thu về từ chuyển nhượng cũng đủ để trang trải cho đội bóng mùa bóng mới, hà tất phải bán hết? Phải chăng địa phương này không còn khát vọng đến mức đánh đổi, xóa sổ cả một bề dày thương hiệu?
Còn sự “chảy máu” ồ ạt của Ngân hàng Công thương không hẳn chỉ vì sự lôi kéo, bạo chi của nhiều thế lực mới. Cái chính là nhiều sự bất ổn đã liên tiếp xảy đến từ nội tình đội bóng này khi định hướng đầu tư có thể không còn mặn mà từ lãnh đạo, mâu thuẫn giằng xé trong BHL xuất hiện, tâm lý cầu thủ trở nên mệt mỏi, đời sống cảm thấy không bảo đảm từ thượng tầng biến động nên trước sau gì cũng nói lời chia tay.
Sự loạn nhịp này của bóng chuyền càng cho thấy trong xu thế chuyên nghiệp và hiện đại giờ đây, để duy trì hình ảnh truyền thống một cách bền vững là điều không dễ dàng. Bởi thiếu tiền là một chuyện, cái chính còn do cách làm, cách đầu tư sao cho ngoài tâm huyết còn là một giá trị lâu dài. Chứ làm thể thao theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” thì trước sau gì cũng tự bắn vào chân mình!
Theo thanhnien

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *