Những tổ kiến vàng còn nằm trên cây được người Ê Đê khéo léo lấy về rồi chế biến thành món ăn “độc nhất vô nhị”. Đây có thể gọi là món ăn khó, khó từ lấy nguyên liệu đến cách chế biến và thưởng thức.
Kết thúc mùa thu hoạch cà phê, cũng là lúc Tây Nguyên vào xuân. Người Ê Đê ở huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) cũng nô nức chuẩn bị Tết như cộng đồng các dân tộc khác. Để chuẩn bị cho bữa cơm ngày Tết, những người đàn ông trong buôn lại rủ nhau vào rừng, lên rẫy để tìm những tổ kiến vàng- nguyên liệu chính của món canh chua kiến vàng. Đây được xem là món ăn truyền thống, đặc sản của người Ê đê dùng để đãi khách đến chơi nhà.
Kiến vàng sinh sống trên các cành cây, làm tổ ở những nơi cao. Những ổ kiến vàng có trứng được xem là “lộc rừng”. Đặc biệt vào mùa mưa từ đầu mùa mưa hoặc sau mùa thu hoạch, người Ê đê thường chọn thời điểm này đi “săn” kiến vàng vì đa phần chúng sẽ làm tổ và đẻ trứng nhiều. Từ loài kiến này, người Ê đê có món canh chua kiến vàng nấu với hoa “djam tang” khiến nhiều người mê mẩn.
Nguyên chính gồm kiến vàng, các loại tôm, cá, cua sông, ngò gai, nén, gia vị và hoa “djam tang”- một loài hoa mọc gần sông Sêrêpốk.
Khi những cây “djam tang” lên búp, nở hoa từ lòng sông, cạnh các bờ đá, phụ nữ Ê đê rủ nhau đi hái. Bằng nhiều cách như đặt giỏ hay đánh lưới trên dòng sông, đàn ông người Ê đê ở đây dành những con tôm, cua, cá nhỏ để nấu món canh chua.
Để nấu được món ăn này, người Ê đê phải đi kiếm tổ kiến vàng. Thay vì dùng me hay lá giang để tạo vị chua cho món ăn, người Ê đê sẽ sử dụng kiến vàng tạo nên độ chua “độc lạ”.
Trên những cây cao ở trong rừng hoặc trong vườn cà phê, vườn cây trồng lâu năm, khi tìm thấy tổ kiến, người bắt cũng phải có kinh nghiệm và nghệ thuật để tránh làm vỡ tổ kiến. Những tổ đầy ắp kiến vàng và trứng kiến sẽ khiến hương vị của món canh càng đặc biệt và bổ dưỡng.
Với nguyên liệu dân dã, cách nấu canh chua kiến vàng cũng khá đơn giản. Người Ê Đê nấu một nồi nước đủ dùng, khi nước sôi sẽ thả vào nồi các loại tôm, cua, cá nhỏ đã sơ chế và củ nén đập dập để tạo độ thơm.
Sau khoảng 5 phút, nguyên liệu trong nồi đã đạt độ chín và tạo độ ngọt cho nước thì lần lượt thêm hoa “djam tang” và kiến vàng đã ngâm nước sạch. Vị chua đặc biệt của kiến vàng sẽ kích thích vị giác của người nếm. Vị béo ngậy của trứng kiến khiến món ăn càng trở nên lạ miệng, hấp dẫn khi thưởng thức.
Đây được xem là một món ăn hấp dẫn của người Ê đê, khi ăn cùng với cơm trắng càng kích thích vị giác người thưởng thức. Từ cách nấu giản đơn nhưng có được sự đậm đà của món canh chua khẳng định được nghệ thuật ẩm thực độc đáo của người Ê đê.
Theo Dantri