Nguyễn Việt Phong ( CLB Viettel )
Tiền đạo Nguyễn Việt Phong có biệt danh là Phong ”bướm”. Trước đây anh từng làm mưa, làm gió tại các giải đá phủi trên cả nước. Ít ai biết rằng, Việt Phong là chân sút có tiếng trong làng bóng đá “phủi” ở miền Bắc. Với biệt danh Phong “bướm”, anh thường xuyên thi đấu trên sân đấu 7 người trong màu áo Thành Đồng. Đỉnh cao là chức vô địch Ngoại hạng Phủi mùa giải đầu tiên (HPL-S1) cho đội bóng được mệnh danh là “Barca của làng phủi Hà Nội”. Hiện tại, Việt Phong cũng đang tiếp tục chơi cho Hiệp Hòa tại HPL-S7.
Nguyễn Việt Phong sinh năm 1993, trưởng thành từ lò đạo bóng đá trẻ của Thể Công. Điểm mạnh của cầu thủ này là những pha xử lý bóng kỹ thuật và có thể thi đấu tốt ở cả hai cánh. Tại V.League 2019, Việt Phong đã có những trận đấu ấn tượng với ưu điểm là khả năng chơi bóng độc lập rất tốt và tư duy chơi bóng hiện đại. Anh chính là một trong những nhân tố chủ chốt giúp Viettel có được một vị trí an toàn trên bảng xếp hạng của V. League 2019.
Mới đây “cơn gió lạ” Việt Phong đã gây bất ngờ với người hâm mộ cả nước khi được HLV Park-Hang-seo gọi lên ĐT Việt Nam và có hai trận ra sân liên tiếp ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á trước hai đối thủ Malaysia và Indonesia. Sự góp mặt của Việt Phong trong màu áo ĐTQG đã thực sự gây được tiếng vang trong giới bóng đá phủi Hà Thành.
Nghiêm Xuân Tú (CLB Than Quảng Ninh)
Nghiêm Xuân Tú là một trường hợp hết sức đặc biệt của bóng đá Việt Nam. Cầu thủ này trưởng thành từ bóng đá phong trào và điều đặc biệt là anh biết cách vượt qua số phận để đi đến thành công như ngày hôm nay.
Vốn là con trai của cựu cầu thủ Nghiêm Xuân Mạnh từng chơi bóng cho Đường sắt Việt Nam, Tú “ngựa” (biệt danh của Nghiêm Xuân Tú) từng có thời gian ăn tập ở lò đào tạo trẻ Hòa Phát Hà Nội nhưng rồi phải bỏ dở từ rất sớm vì bị đánh giá không có khả năng phát triển sự nghiệp. Cộng thêm căn bệnh ung thư ập đến năm 24 tuổi, Nghiêm Xuân Tú tưởng chừng không còn cơ hội để chơi bóng.
Thế nhưng bằng nghị lực và niềm đam mê bất tận với trái bóng tròn, sau gần 1 năm xạ trị, đẩy lùi được bệnh tật, Nghiêm Xuân Tú đã bắt đầu trở lại với đam mê của mình bằng cách hàng ngày xách giày đi “đá phủi” cho một số đội bóng phong trào quanh khu vực anh sinh sống để thoả mãn đam mê.
Vào năm 2013, khi đó HLV Mai Đức Chung còn đang dẫn dắt CLB Thanh Hóa, ông đã ra Hà Nội để dự khán một vài trận đấu của giải ngoại hạng phủi HPL. Sau hơn một giờ đồng hồ theo dõi Nghiêm Xuân Tú chơi bóng, ông Chung “gái” đã rất ấn tượng với những pha xử lý tinh quái của cầu thủ này và ngay sau khi kết thúc trận đấu, ông đã đích thân xuống sân thuyết phục Tú “ngựa” về Thanh Hoá thử việc trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.
Ở sân chơi V. League, Nghiêm Xuân Tú đã có trải nghiệm đầu tiên vô cùng đáng nhớ khi vừa xuất hiện trên sân được được 5 phút thì cầu thủ này đã nổ súng với bàn thắng quyết định giúp Thanh Hóa đánh bại SLNA với tỷ số 2-1. Đó thực sự sẽ là một kỷ niệm không thể nào quên đối với cá nhân Tú “ngựa”. Mùa vừa qua, Tú “ngựa” là một trong những cầu thủ chơi tốt nhất của Than Quảng Ninh, thậm chí anh còn giành danh hiệu “Bàn thắng đẹp nhất V.League 2019”.
Nguyễn Thanh Long (CLB Becamex Bình Dương)
Từng ăn tập ở lứa trẻ Viettel và có quãng thời gian được gọi lên U20 Việt Nam cùng lứa Quế Ngọc Hải, tuy nhiên sự nghiệp của Long “tôm” đã phải rẽ ngang do chấn thương và đội bóng Viettel của anh giải thể lứa cầu thủ 1992-1993.
Sau khi chia tay sân chơi chuyên nghiệp, Long “tôm” đã chuyển sang làm công tác huấn luyện và làm trợ lý HLV ở đội bóng Công an Nhân dân. Ngoài thời gian công việc, để trì đam mê và sức khoẻ, Long “tôm” thường xuyên xách giày đi đá “phủi” khi rảnh rỗi. Và ở mùa giải Ngoại hạng Hà Nội HPL-S5 diễn ra cách đây hai năm, anh chính là nhân tố quan trọng giúp đội bóng Tin Lớn & Anh Em đăng quang một cách hết sức thuyết phục. Với riêng cá nhân mình, Long “tôm” cũng được BTC trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu.
Đam mê bóng tròn được thắp sáng và bước ngoặt của sự nghiệp đã đến với Long “tôm”. Quá ấn tượng với một cầu thủ có thể hình tốt và phong cách chơi bóng rất chuyên nghiệp, HLV Trần Minh Chiến đã trao cho Long “tôm” một cơ hội để thử việc tại Becamex Bình Dương. Sau hơn 1 tháng thử việc, trung vệ này đã hoàn toàn thuyết phục được ban huấn luyện của đội bóng được mệnh danh là “Chelsea Việt Nam” để ký vào bản hợp đồng, qua đó thắp sáng lại những ước mơ bị đánh mất hồi còn trẻ của mình.
Tô Văn Vũ (CLB Becamex Bình Dương)
Tô Văn Vũ cũng là một trường hợp rất đặc biệt của bóng đá Việt nam, một tấm gương về nghị lực vượt qua số phận. Cầu thủ này không được ăn tập từ nhỏ mà anh đến với bóng đá rất tình cờ từ sân chơi phủi. Hồi đó, Tô Văn Vũ còn phải mưu sinh bằng nghề đi đánh giày và thời gian rảnh anh xin vào đá phủi cùng với những đội bóng văn phòng ở Đồng Nai. Sau khi nhận thấy tài năng hiếm có của Tô Văn Vũ, các anh em trong đội bóng đã quyết định giới thiệu cầu thủ này đến với sân chơi chuyên nghiệp và không phụ lòng tin tưởng của các đồng đội, Tô Văn Vũ đã được nhận vào đội bóng U20 Đồng Nai và được gọi lên đội 1 để thi đấu ở giải Hạng nhất Quốc gia 2014.
Hai năm thi đấu tại Đồng Nai, Tô Văn Vũ luôn là cái tên quen thuộc trong đội hình xuất phát của đội bóng này. Và đến năm 2016, sự nghiệp của Tô Văn Vũ chính thức bước sang một trang mới khi HLV Trần Bình Sự của Becamex Bình Dương quyết định mang anh về đất Thủ sau khi theo dõi hậu vệ này thi đấu.
Tuy nhiên, việc đem về một cầu thủ không được đào tạo bài bản, lại mới có kinh nghiệm thi đấu tại những giải đấu hạng dưới thực sự là một canh bạc với vị chiến lược gia sinh năm 1947. Nhưng ông vẫn tin vào linh cảm của mình và linh cảm của một HLV lão làng đã đúng, khi Tô Văn Vũ vượt qua được giai đoạn thử việc tại B.Bình Dương, đồng thời được ký hợp đồng chính thức, rồi từng bước trở thành một trong những trụ cột không thể thiếu của đội chủ sân Gò Đậu.
Nguyễn Công Thành (CLB TP.HCM)
Tuổi 18, Công Thành rời quê lên thi đại học và anh thi đỗ vào khoa bóng đá Trường ĐHTDTT II. Thế rồi, sau một giải bóng đá phủi ở trường, với màn trình diễn xuất sắc của mình, Công Thành đã được một trọng tài giới thiệu tới thử việc tại CLB Navibank Sài Gòn. Nhưng trớ trêu thay, ngay khi anh đặt bút kí hợp đồng chính thức thì đội bóng này đã quyết định giải thể mà không rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, với niềm khát khao của tuổi trẻ, Nguyễn Công Thành đã kiên trì theo đuổi con đường sự nghiệp của mình bằng việc ngược xuôi từ Nam ra Bắc để có cơ hội thi đấu học hỏi kinh nghiệm. Sau nhiều năm bôn ba chơi cho rất nhiều đội bóng như Sài Gòn Xuân Thành, An Giang, Thanh Hóa, Cần Thơ thì bến đỗ cuối cùng của hậu vệ này lại chính là nơi anh xuất phát để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, đó chính là CLB. TP.HCM.
Ở mùa giải V. League 2019, Công Thành đã có hơn 20 trận ra sân đá chính trong màu áo CLB TP.HCM và chỉ vắng mặt vì thẻ phạt. Anh chính là một trong những nhân tố chơi ổn định nhất của đội bóng và có những góp công không nhỏ đến ngôi vị á quân lần đầu tiên trong lịch sử của CLB.TP.HCM.
Thành quả đó chính là một phần thưởng xứng đáng dành cho Công Thành, một cầu thủ dù thiếu may mắn khi không được ăn tập, đào tạo bài bản, nhưng với những nỗ lực và khát khao cháy bỏng đã biến giấc mơ chơi bóng chuyên nghiệp của mình trở thành hiện thực.
Theo ghienbongda.vn