Bóng đá đầy rẫy các anh tài, có người may mắn được nhớ đến và khắc ghi trong lịch sử những CLB như một tượng đài. Nhưng cũng có người mãi bị đánh giá thấp, như John Obi Mikel.
Chelsea không thiếu những tên tuổi vang danh, nhưng không phải ai cũng có những câu chuyện ly kỳ để kể như John Obi Mikel. Anh – bây giờ khoác áo Stoke City ở hạng Nhất – từng trải qua chín đời HLV khác nhau ở Stamford Bridge, giành tám danh hiệu lớn – trong đó có chức vô địch Champions League – và xếp thứ năm trong danh sách những cầu thủ ngoại quốc khoác áo The Blues nhiều nhất, với 372 trận – chỉ sau Petr Cech (494 trận), Cesar Azpilicueta (415), Didier Drogba (381) và Branislav Ivanovic (377).
Nhưng những con số cũng chỉ để trang điểm. Sự nghiệp của tiền vệ người Nigeria ở Chelsea nên được khắc họa qua những câu chuyện do chính anh kể: Từ chuyện làm phật lòng Jose Mourinho, cú sốc tâm lý khi cha đẻ bị bắt cóc tống tiền đến hai lần ở quê nhà Nigeria, lý do vì sao anh không bao giờ xin lỗi trọng tài Mark Clattenburg sau khi cáo buộc ông có hành động phân biệt chủng tộc, cho đến việc phải chia tay Chelsea vì Antonio Conte, và đương nhiên là những kỷ niệm về đêm đặc biệt tại Munich.
Đến Chelsea chưa được bao lâu từ CLB Lyn của Na Uy năm 2006, nhưng Mikel nhanh chóng được đàn anh Claude Makelele “nắn gân”. Tiền vệ dày dạn kinh nghiệm người Pháp khi đó cảnh báo đàn em rằng suốt cả sự nghiệp sau này, đừng mơ tới việc trở thành một ngôi sao.
Hãy liệu hồn với Jose Mourinho!
Thời kỳ đầu còn chơi bóng ở quê nhà Nigeria, Mikel thi đấu trong vai trò của một số 10. Tại giải trẻ thế giới của FIFA năm 2005, Mikel về nhì trong cuộc bầu chọn danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải – người chiến thắng không ai khác chính là Lionel Messi. Ấy thế, Mourinho vẫn quyết định biến Mikel thành một tiền vệ phòng ngự ở Chelsea.
Suốt hơn một thập kỷ chơi bóng ở Stamford Bridge, Mikel luôn phải đứng dưới cái bóng của những ngôi sao thời ấy như Frank Lampard, Michael Ballack hay Eden Hazard. Song, anh đã chuẩn bị tâm thế ấy ngay từ đầu.
“Người hâm mộ chỉ có hai thứ trong đầu: đưa bóng vào lưới hoặc kiến tạo,” Mikel kể trên tờ The Athletic. “Nếu bạn không thuộc hai dạng cầu thủ đó, đừng mơ đến chuyện được các CĐV mến mộ.”
“Tôi nhanh chóng nhận ra vấn đề này. Ngay trong buổi tập đầu tiên của mình ở Chelsea, Claude Makelele đã cảnh báo tôi. Claude biết một ngày nào đó tôi sẽ chiếm lấy vị trí của anh ấy trong đội hình. Claude từng nói với tôi thế này, ‘Nghe này nhóc, cậu mà chơi vị trí này thì sẽ không bao giờ được chú ý đâu. Cậu sẽ phải làm những phần việc nặng nhọc, giúp cả đội giành chiến thắng, nhưng sau đó, mọi vinh quang sẽ đều thuộc về các tiền đạo! Luôn là như vậy’.”
“Khi một ai đó như Makelele nói với bạn như vậy, đương nhiên bạn phải chú ý. Claude còn nói thêm, ‘Tôi đã trải qua những điều đó suốt cả sự nghiệp rồi. Ở Real Madrid, Zinedine Zidane và những người khác được xướng tên, tôi thì chẳng được tí gì’. Nghe xong, tôi hiểu những gì mình sắp sửa phải trải qua. Nhưng phản ứng của tôi bấy giờ kiểu, ‘Tôi đơn giản chỉ muốn được chơi bóng thôi!’. Tầm tuổi đó, tôi không quan tâm mình được xếp đá vị trí nào. Thế nên, nhìn các cầu thủ thời nay cứ hay than vãn khi không được đá ở vị trí sở trường khiến tôi phát ngán. Với tôi, điều duy nhất tôi quan tâm là được có mặt trên sân và giúp đội bóng giành chiến thắng.”
“Lần đầu đến với Chelsea, tôi đã nghĩ mình sẽ được xếp đá số 10 hoặc cùng lắm là số 8. Tôi đâu có nghĩ đến việc giành chỗ với Makelele, đó đâu phải vị trí sở trường của tôi. Nhưng sau khi trò chuyện với Mourinho, tôi liền thay đổi quan điểm. Ông ấy tìm cách tạo điều kiện cho tôi thi đấu và chỉ cho tôi cách chơi trong vai trò của một tiền vệ phòng ngự là như thế nào.”
Từng có thời điểm Mourinho bị chỉ trích về cách sử dụng Mikel, đặc biệt là những người ủng hộ cầu thủ này ở quê nhà Nigeria. Nhưng Mikel đến giờ vẫn luôn dành một tình cảm đặc biệt cho ông thầy người Bồ Đào Nha, dù có lúc anh phải nếm trải cảm giác khắc nghiệt trong phương pháp huấn luyện của Mourinho.
Tôi hy vọng các cầu thủ bây giờ sẽ hiểu được rằng tất cả những gì Mourinho làm chỉ là mong muốn những điều tốt nhất cho họ mà thôi.
Mikel thừa nhận, thuở ban đầu anh vốn không thật sự chuyên nghiệp, nhất là trong chuyện giờ giấc. “Tôi từng trễ một buổi tập chuẩn bị cho trận đấu ở Champions League gặp Barcelona”, Mikel hồi tưởng. “Lúc đó tôi cứ nghĩ buổi tập vẫn chưa bắt đầu, tôi cứ ngồi nhà và chẳng làm gì, cũng chẳng phải ngủ quên. Thế rồi tôi nhận được một cuộc gọi. Ở đầu dây bên kia là người phụ trách liên lạc cầu thủ của CLB, Gary Staker, ông ấy hỏi, ‘Cậu đang ở chỗ quái nào vậy?… Đang ở nhà? Ý cậu là sao? Mọi người đang phải chờ cậu đây này!’.”
“Tôi khi ấy kiểu, ‘Trời ơi! Chết rồi!’. Tôi lập tức đến Cobham, tất cả những gì tôi có thể nghĩ tới lúc đó là, ‘Mình có bị sao không đây? Làm sao dám bước vào phòng thay đồ trước mặt các cầu thủ đàn anh và Mourinho đây?’. Tôi chẳng biết nên làm gì.”
“Lúc tôi bước vào phòng, ông ấy chỉ nhìn tôi rồi bỏ đi. Về sau, Mourinho mới nói với tôi, ‘Cậu thế này là không ổn’. Nhưng vì trước mắt là một trận cầu quan trọng, nên ông ấy không muốn gây ra bất kỳ sự sao nhãng nào. Mourinho chỉ tạm gác lại sai phạm của tôi sang một bên, chứ không hề bỏ qua. Sau này, tôi bị cho nghỉ vài trận, tôi bị đưa lên khán đài. Nhưng mọi chuyện rồi cũng trôi qua, ông ấy lại nói chuyện bình thường với tôi.”
Cách quản trị nhân sự của Mourinho xưa nay luôn là một đề tài gây tranh cãi. Có người ủng hộ, có người không. Những giai đoạn gần đây khi ông dẫn dắt Man Utd và Tottenham, nhiều người tin rằng phương pháp của Mourinho đã lỗi thời và sẽ chỉ khiến những cầu thủ sao số ngày càng bất mãn. Nhưng Mikel vẫn luôn có một suy nghĩ khác.
“Ông ấy không chỉ giúp tôi phát triển chuyên môn, ông ấy còn là người giúp tôi trưởng thành”, anh nói. “Lúc tới Chelsea, tôi đã hành xử cứ như thể mình vẫn còn chơi cho đội U17 của Nigeria. Mourinho nhanh chóng khiến tôi nhận ra rằng đây không còn là lứa U17 nữa! Tôi phải thức tỉnh ngay! Đương nhiên, cách Mourinho khiến bạn thức tỉnh không hề dễ chịu một chút nào. Ông ấy sẽ khiến bạn mướt mồ hôi, ông ấy sẽ trừng phạt bạn theo nhiều cách khác nhau. Ừ thì Mourinho sẽ chẳng phạt nặng bạn bao giờ cả. Ông ấy sẽ bằng hành động, khiến bạn phải trả giá trên sân tập, cách ly bạn với các cầu thủ khác, loại bạn ra khỏi đội hình, thậm chí ra khỏi sân tập.”
“Nhưng Mourinho làm thế là vì ông ấy thật sự quan tâm và lo cho bạn. Ông ấy thật sự muốn bạn trở thành một cầu thủ mà ông ấy phát hiện trong con người bạn. Nếu không, ông ấy chẳng buồn quan tâm đâu. Phải thật sự tin vào bạn, ông ấy mới làm thế. Tôi bắt đầu hiểu ra vấn đề và cứ thế miệt mài, miệt mài làm việc. Và rồi, tôi trở thành cầu thủ mà ông ấy mong muốn.”
“Giờ đây, khi nhìn những gì Mourinho đang làm với các cầu thủ khác, tôi biết chính xác ông ấy muốn gì. Mourinho muốn nhìn thấy phản ứng tích cực từ bạn. Ông ấy sẽ cứ lặp đi lặp lại điều đó đến khi nào bạn đáp lại sự kỳ vọng của ông ấy mới thôi. Thời điểm bạn đón nhận phương pháp của ông ấy theo cách tiêu cực, coi như là bạn xong đời rồi đấy. Mọi thứ sẽ chỉ càng tệ hơn. Nhưng nếu bạn hưởng ứng, ông ấy sẽ luôn tìm cách giúp đỡ bạn. Tôi hy vọng các cầu thủ bây giờ sẽ hiểu được rằng tất cả những gì Mourinho làm chỉ là mong muốn những điều tốt nhất cho họ mà thôi.”
“Hiển nhiên, Mourinho là người đã thay đổi nhiều thứ ở tôi. Nhưng tôi không nói rằng ông ấy đã hủy hoại sự nghiệp của tôi hay gì cả. Ở cấp đội tuyển, tôi vẫn chơi trong vai trò số 10 đấy thôi. Trong số những HLV tôi từng trải qua, ông ấy là người khắt khe nhất. Tôi biết, nếu như mình vẫn có thể tồn tại được dưới sự huấn luyện của Mourinho, thì dù là ai dẫn dắt đi nữa, tôi vẫn có thể thích nghi được. Tôi sẽ luôn cảm thấy biết ơn Mourinho.”
Nỗi đau khi cha ruột hai lần bị bắt cóc tống tiền
Khi nhận cuộc gọi từ người thân ở quê nhà Nigeria, Mikel đơn giản không thể tin nổi “chuyện đó” lại một lần nữa ập đến anh. Chỉ vài giờ trước khi Nigeria đối đầu Argentina ở trận đấu cuối cùng của vòng bảng, phân định xem đội nào sẽ giành quyền đi tiếp vào vòng 1/8 World Cup 2018, Mikel nhận hung tin: cha của anh lại bị bắt cóc.
Không đời nào một con người có thể đứng vững trong hoàn cảnh ấy. Mikel bị đặt vào một tình thế phải lựa chọn giữa một bên là trọng trách quốc gia, một bên là nghĩa vụ gia đình. Anh bấy giờ là thủ quân đội tuyển Nigeria, là thủ lĩnh của toàn đội. Nhưng Mikel cũng là một con người bình thường như ai khác, anh có một gia đình để yêu thương và để đùm bọc. Huống chi, bi kịch ấy không phải mới chỉ xảy ra một lần.
Khi Andre Villas-Boas trở thành tân HLV trưởng của Chelsea, ông quyết định chọn Mikel trong đội hình ở trận đầu tiên dẫn dắt đội bóng – gặp Stoke City. Khi đó, Mikel nhận tin cha của anh ở Nigeria vừa bị bắt cóc. Không thể tập trung chuẩn bị cho trận đấu, Mikel nhanh chóng thông báo với CLB.
“Villas-Boas gọi tôi vào phòng làm việc của ông ấy để hỏi chuyện. Ông ấy cần tôi cho trận đấu, nhưng lo lắng tôi sẽ không có tâm trí ra sân. Vì thế, ông ấy muốn biết sự lựa chọn của tôi. Tôi trả lời rằng mình cũng chẳng thể làm gì được hơn, ngoài việc thực hiện các cuộc gọi sang Nigeria. Tôi vẫn còn nhiệm vụ, vẫn còn trọng trách thi đấu cho CLB, tôi cần phải mạnh mẽ. Đó thật sự là thời khắc khó khăn đối với tôi.”
“Phản ứng của ông ấy là, ‘Nếu cậu đã quyết định vậy, được thôi’. Thế là tôi vẫn cùng các đồng đội hành quân đến Stoke và chơi trận đấu. Nhưng trong cả trận, đầu óc tôi chỉ hướng về cha mình, tôi không biết liệu ông ấy có làm sao không.”
May mắn cho Mikel và gia đình anh. Sau vài ngày, tình hình được thu xếp ổn thỏa. Mikel đồng ý trả tiền chuộc cho bọn bắt cóc, dù quá trình thương lượng diễn ra phức tạp.
Bảy năm sau, khi bi kịch lặp lại, Mikel lúc này không còn khoác áo Chelsea nữa. Anh cũng không còn có đủ thời gian để suy nghĩ, cũng như không thể tìm đến ai để nhận lời khuyên. Nigeria cần một trận hòa trước Argentina để giành quyền đi tiếp.
Nhắc lại quá khứ ấy, Mikel vẫn còn bàng hoàng: “Sau khi họp đội, tôi trở về phòng mình ở khách sạn để chuẩn bị đồ đạc cho trận đấu. Khi đó, tôi nhận cuộc gọi từ người thân ở quê nhà, báo tin rằng cha tôi đã lại bị bắt cóc. ‘Cái gì? Trời đất ơi!’ Tôi không thể tin nổi. Tôi đang ở Nga, đại diện cho cả đất nước, nhưng ở chính quê hương tôi, những kẻ điên rồ nào đấy lại làm những việc kinh khủng đối với tôi và gia đình tôi”.
“Tôi chỉ còn khoảng một tiếng để chuẩn bị cho trận đấu. Tôi tự hỏi liệu mình có nên thông báo với HLV trưởng (ông Gernot Rohr), nhưng đến cuối, tôi đã không làm vậy. Tôi ngồi trong phòng một mình, suy nghĩ về chuyện đó. Tôi nói chuyện qua điện thoại với mẹ và các anh em, tôi nói với họ rằng mình vẫn sẽ thi đấu trận này. Vì đó là một trận đấu vô cùng quan trọng của Nigeria. Đội tuyển cần tôi, đất nước cần tôi. Lần thứ hai này, mọi thứ khó đối diện hơn lần đầu rất nhiều. Vì tôi không nói với bất kỳ ai cả. Tôi phải nuốt nỗi lo vào lòng và ra sân thi đấu. Cảm giác thật sự khủng khiếp. Tôi biết cha mình đã phải trải qua những gì sau lần đầu tiên. Tôi chỉ muốn nằm xuống sân và khóc thét lên. Nỗi đau là quá lớn! Nhưng tôi phải gắng gượng mà chiến đấu.”
Cuối cùng, Nigeria của Mikel phải dừng bước khi Argentina giành chiến thắng 2-1 nhờ cú vô-lê thành bàn đến từ Marcos Rojo lúc trận đấu chỉ còn bốn phút. Là thủ quân đội tuyển, Mikel sau trận vẫn phải trả lời họp báo. Không một ai biết về hoàn cảnh và sự chịu đựng của anh trong suốt trận đấu tại Saint Petersburg, không một ai đặt ra câu hỏi nào về người cha của anh.
Một lần nữa, Mikel đưa cho bọn bắt cóc tiền chuộc để cha mình được về đoàn tụ cùng gia đình.
Không bao giờ xin lỗi Mark Clattenburg
Thời còn khoác áo Chelsea, chỉ đúng một lần John Obi Mikel mất bình tĩnh và quên đi tất cả những lời dặn dò từ Mourinho.
Ngày 28 tháng 10 năm 2012, Chelsea thua 2-3 trước đối thủ cạnh tranh vô địch là Man Utd trong một trận cầu gây nhiều tranh cãi. Trọng tài Mark Clattenburg đuổi khỏi sân Branislav Ivanovic và Fernando Torres của Chelsea, sau đó, bàn thắng ấn định của Javier Hernandez lại được ghi ở vị trí việt vị.
Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, cảm xúc thật khó kìm hãm. Trên đường tiến vào phòng thay đồ, Ramires nói với Mikel rằng ông Clattenburg đã có lời lẽ xúc phạm anh.
“Lúc đó tôi không kiềm chế được mình”, Mikel kể lại. “Tôi quá tức giận. Chúng tôi thì vừa mới thua trận, một trận đấu mà một vài quyết định của ông ta đã gây ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Mọi thứ như lò áp suất vậy. Tôi chỉ muốn đối mặt với ông ta, hỏi cho ra lẽ sự việc, hỏi xem ông ta đã nói gì về tôi. Nhưng ông ấy không muốn gặp tôi, và tôi cũng không được phép tiếp cận ông ấy”.
“Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên mọi người ở Chelsea chứng kiến tôi phát điên đến vậy. Rất nhiều người tìm cách ngăn tôi lại, từ các đồng đội cho đến thành viên CLB. Tôi chỉ muốn đạp tung cánh cửa phòng của ông ta và hỏi cho rõ ràng. Tôi đã giận tím người”.
Sự việc được Liên đoàn Bóng đá Anh điều tra. Cuối cùng, họ quyết định Clattenburg không có lý do gì để phải trả lời hay bị truy cứu. Mikel thì bị cấm thi đấu ba trận và bị phạt tiền 60.000 bảng. Ramires là nhân chứng duy nhất của vụ việc, người duy nhất nói rằng anh đã nghe thấy điều gì đó khiếm nhã về Mikel từ Clattenburg. Nhưng bản thân tiền vệ người Nigeria lại không nghe tận tai hay chứng kiến tận mắt. Chelsea cũng chấp nhận kết quả điều tra của FA và nói rằng lấy làm tiếc vì sự việc trong đường hầm.
Khi nhìn lại quá khứ ấy, Mikel không trách Ramires và cũng không bao giờ xin lỗi Clattenburg. “Lúc trận đấu đang căng thẳng, những cầu thủ dễ dàng bộc phát cảm xúc. Một đồng đội của bạn nói rằng anh ta nghe thấy điều gì đó, cũng có thể những gì Ramires nghe thấy không đúng. Ông ta có thật sự nói gì đó xúc phạm tôi không? Tôi không biết. Nhưng tôi tin đồng đội của mình, người mà bạn gắn bó và tiếp xúc hàng ngày. Vì vậy, tôi sẽ không xin lỗi Clattenburg”.
Đêm Munich ngọt ngào
Với John Obi Mikel, khổ đau là vậy, nhưng cuộc đời và sự nghiệp cũng đã biết mỉm cười với anh. Nhắc về thế hệ của Mikel ở Chelsea, tất cả không thể không nhắc về đêm Munich với chức vô địch Champions League 2012 mà họ giành được trước Bayern Munich ở trận chung kết. Danh hiệu này có được chỉ sau ba tháng khi Roberto Di Matteo lên thay Villas-Boas.
“Roberto đích thị là HLV mà dưới trướng ông ấy, tôi đã chơi thứ bóng đá hay nhất của mình ở Chelsea, từ việc hỗ trợ phòng ngự cho đến mặt trận tấn công. Ông ấy cho tôi sự tự do đó. Tôi không còn sợ mất bóng. Tôi không còn sợ mắc sai lầm”, Mikel kể. “Một ngày nọ, Roberto kêu tôi vào phòng làm việc của ông ấy và bảo, ‘Nghe này Mikel, tôi muốn cậu phải là chàng trai của tôi. Tôi muốn thấy những gì cậu có thể mang lại cho đội bóng. Không cần biết chúng là gì, hãy cứ chơi thứ bóng đá vốn thuộc về cậu. Cậu có tôi ủng hộ rồi nên cứ yên tâm. Cứ lên công, về thủ. Chơi bóng cho tôi! Vận hành toàn đội! Đừng sợ để mất bóng!’. Những lời của ông ấy giúp tôi thêm tự tin. Tôi đã chơi hàng loạt trận đấu và tôi là một trong những cái tên luôn xuất hiện đầu tiên trong danh sách đội hình của Roberto.”
Hai tuần trước khi giành Champions League, Chelsea đánh bại Liverpool 2-1 tại Wembley để đăng quang FA Cup. Không nhiều người dám tin họ có thể khép lại mùa giải khi ấy với thêm một danh hiệu nữa. “Bayern sở hữu một đội hình đầy rẫy các tài năng”, Mikel nói. “Chúng tôi không chơi một-kèm-một. Di Matteo muốn chúng tôi chơi theo cách buộc đối thủ phải nương theo mình. Nhưng vai trò của tôi ngày hôm đó hơi thấp hơn một chút, để có thể hỗ trợ cho David Luiz và Gary Cahill dễ dàng hơn”.
“Cả hai người họ đều không thật sự chắc chắn, vì những chấn thương gân kheo mắc phải. Nhưng sau khi trận đấu diễn ra được một lúc, tôi nhận thấy David và Gary đều có vẻ tự tin hơn, thế nên tôi quyết định, ‘Được rồi, giờ hãy là chính mình hơn nào, tìm cách giúp các đồng đội tấn công thôi’.”
“Tôi đã trải qua nhiều trận đấu khác nhau, nhưng với ý nghĩa của cuộc đấu ngày hôm ấy, đó đích thực là màn trình diễn hay nhất tôi từng có trong màu áo Chelsea. Chung kết Champions League là sân khấu lớn nhất và bạn phải phô diễn hết những gì tinh túy nhất của bản thân. Chúng tôi lại còn phải chơi trên sân đấu thuộc về Bayern nữa, nên áp lực lại càng lớn. Tôi đã làm mọi thứ hết sức mình ngày hôm ấy, từ phòng ngự cho đến dâng lên tham gia tấn công. Đó luôn là trận đấu mà tôi tự hào. Có lẽ, tôi đã để dành những gì hay nhất của mình cho trận cầu quan trọng nhất của Chelsea. Không tệ, nhỉ?”.
Chelsea bị Bayern dẫn trước khi trận đấu chỉ còn bảy phút là kết thúc, nhưng Drogba kéo nó vào hiệp phụ sau một cú đánh đầu dũng mãnh. Trong thời gian hiệp phụ, cũng chính “Voi rừng” khiến Chelsea phải chịu một quả penalty, nhưng Petr Cech ngăn cản thành công cú đá của Arjen Robben. Và mọi chuyện được giải quyết trên loạt sút luân lưu. Juan Mata là người đá hỏng quả luân lưu đầu tiên của Chelsea.
“Chúng tôi nhận thấy đối thủ bắt đầu mệt mỏi và nản chí. Chúng tôi hiểu rằng chiếc Cup đang rất gần tầm tay, chúng tôi có thể làm được, chúng tôi có thể cảm nhận được. Càng đá, chúng tôi càng tự tin. Pha cứu thua của Cech trước quả penalty của Robben như tiêm thêm liều kích thích cho cả đội.”
Tuy nhiên, ý định ban đầu của thầy trò Di Matteo là không hề muốn đưa trận đấu vào loạt sút luân lưu. Cho dù cuối cùng, họ đánh bại Bayern 4-3 trong loạt đấu súng cân não để vô địch.
“Chúng tôi tập luyện trước trận, nhưng không đến mức kỹ càng đến vậy. Không có gì quá đặc biệt cả, vì chúng tôi không nghĩ trận đấu sẽ kéo dài đến loạt đá luân lưu. Chúng tôi đúng là có những cầu thủ đá penalty giỏi, nhưng chúng tôi không luyện tập cho điều đó. Nếu đá theo kiểu đó, tôi đã không cho phép mình dâng lên tham gia tấn công.”
“Sau khi vô địch, cả đội mở tiệc ăn mừng. Chuyến bay trở về Anh không khác gì một bữa tiệc. Ai nấy cũng mệt lả nhưng tất cả đều nóng lòng trở về London để chia vui cùng người hâm mộ. Ai nấy cũng muốn tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc ấy, vì chúng không phải lúc nào cũng đến.”
Có thể hiểu được niềm vui mà Mikel và các đồng đội trong đêm Munich 2012. Bởi nhiều người trong số họ từng trải qua đến bốn thất bại trong các trận bán kết và từng dừng bước trước ngưỡng cửa thiên đường ở chung kết 2008 trước Man Utd.
Thất bại vì luật bàn thắng sân khách năm 2009 trước Barcelona càng chất chứa bao nỗi đau đớn với The Blues, khi trọng tài Tom Henning Ovrebo đã có hàng loạt những quyết định sai lầm trong trận cầu tại Stamford Bridge. Mikel ngồi dự bị trận đấu hôm đó, nhưng những gì diễn ra sau trận khiến anh không bao giờ quên.
“Khung cảnh trong đường hầm và phòng thay đồ sau trận vô cùng hỗn loạn. Chai nhựa, vật dụng, mọi thứ bay tứ tung. Những chiếc bàn bị đập vỡ. Mọi người đều la ó và tức giận. Tôi không biết bây giờ thế nào chứ trận thua ngày ấy là không thể chấp nhận được. Drogba đã không hoàn toàn nổi điên trên sân”.
Máy xay HLV và quyền lực cầu thủ
Trên băng ghế chỉ đạo của Chelsea năm đó là Guus Hiddink, HLV tạm quyền thay thế cho Luiz Felipe Scolari. Chiến lược gia người Hà Lan, người sau này trở lại Stamford Bridge năm 2015 sau nhiệm kỳ hai của Mourinho, vẫn khép lại mùa 2008-2009 với Cup FA cùng Chelsea.
“Ông ấy như một người cha đỡ đầu của tôi vậy”, Mikel tâm sự. “Mọi người ở CLB đều gọi ông ấy là ‘Cha’. Hiddink là một người cha già kính mến, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Ai nấy cũng đều kính trọng ông ấy”.
Một HLV khác mà Mikel quý trọng là Carlo Ancelotti, người đầu tiên và cũng là duy nhất giúp Chelsea vô địch Premier League và FA Cup trong cùng một mùa giải. Nhưng chỉ đúng một năm sau, chiến lược gia người Italy bị sa thải. Chelsea khi ấy không giành danh hiệu nào, nhưng thành tích về nhì ở giải quốc nội trước Man Utd không hẳn là một kết quả thảm họa.
“Đó có lẽ là vụ sa thải HLV sốc nhất tôi từng chứng kiến, vì dưới thời Carlo, chúng tôi đã chơi thứ bóng đá chất lượng, thứ bóng đá tấn công”, Mikel chia sẻ. “Chúng tôi còn sốc vì quan hệ thầy trò chúng tôi rất tốt. Chúng tôi cứ nghĩ mọi thứ vẫn diễn ra bình thường vì cả đội đã chơi tốt. Đồng ý là có lúc Chelsea không giành được những kết quả như ý muốn, nhưng ông ấy đã nỗ lực để định hình nên đội bóng. Lẽ ra, Carlo nên được trao thêm cơ hội. Phương pháp quản quân của ông ấy xuất sắc khỏi nói. Vả lại, ông ấy còn là một chiến lược gia tài ba nữa.”
Suốt bao năm qua, luôn có một giả thiết được đặt ra ở Stamford Bridge: Quyền lực cầu thủ đóng vai trò quan trọng biến CLB này trở thành một lò xay HLV. Scolari hay Villas-Boas từng là nạn nhân khi cả hai không thể trụ nổi một mùa giải.
Dù không chỉ đích danh trường hợp nào, nhưng Mikel thừa nhận giả thiết trên hoàn toàn đúng. Anh tiết lộ: “Ở bất kỳ CLB nào, bạn đều có cái gọi là ‘xương sống’, hay thậm chí bạn có thể gọi là ‘thế lực mafia’. Đó là những cầu thủ mà khi mọi chuyện không diễn ra như ý muốn của họ, họ sẽ không để yên. Thế lực mafia được sinh ra như thế.”
“Tin tôi đi, quyền lực cầu thủ có ở bất kỳ CLB nào. Ở Chelsea, cũng như thế. Quyền lực cầu thủ tồn tại khi một nhóm cầu thủ đã gắn bó và phục vụ CLB trong một thời gian dài. Họ có quyền lo lắng cho CLB, hòng đảm bảo lấy lại trật tự khi mọi thứ trật bánh. Nếu một HLV không làm tốt, các cầu thủ sẽ có quyền… bạn biết rồi đấy… đưa ra quan điểm và làm bất kỳ thứ gì họ muốn để khiến HLV ấy phải mất ghế. Nếu người mới mang lại thành công, ồ, một kết thúc có hậu! Đúng vậy, chúng tôi từng làm chuyện đó, nhưng xuất phát từ lợi ích của CLB, chứ không tìm cách gây phương hại. Nếu bạn đã ở Chelsea đủ lâu, bạn sẽ yêu CLB say đắm và bạn sẽ bằng mọi cách để CLB luôn có được thành công”.
Eden Hazard – Tài năng thôi là chưa đủ
Sự tàn nhẫn ấy ở Chelsea lại giúp CLB này giành được 16 danh hiệu trong vòng 18 năm qua. Từ đó, Chelsea vừa củng cố tên tuổi, vừa có nguồn ngân sách để thu hút những cầu thủ xuất sắc thế giới. Một trong số này chính là Eden Hazard.
“Tôi từng nói rằng Hazard chính là một trong số những cầu thủ tài năng hiếm có nhất thế giới. Cậu ấy hội đủ mọi phẩm chất – tốc độ, sức mạnh và kỹ thuật. Cậu ấy chỉ đứng sau Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Cậu ấy tài giỏi thật sự. Chỉ là cậu ấy có muốn vươn đến tầm đó thật sự hay không thôi. Eden từng chính miệng nói rằng, ‘Nếu tôi muốn, tôi sẽ làm được. Có thể không bằng Messi vì anh ấy là người ngoài hành tinh rồi, nhưng tôi nghĩ mình có thể đạt đến tầm Ronaldo hoặc có thể hơn’. Cậu ấy thật sự từng thốt lên như vậy, nhưng cậu ấy không hoàn toàn hết mình cho bóng đá. Cậu ấy không tập luyện chăm chỉ, nếu không nói là cầu thủ tập luyện kém nhất tôi từng sát cánh”.
“Vì sao ư? Ôi trời ơi! Eden ơi là Eden… Vì cậu ấy giỏi quá nên chẳng ai dám nói gì. Cậu ấy cứ thế xuất hiện vào thứ Bảy và giúp chúng tôi giành chiến thắng, trở thành cầu thủ hay nhất trận. Nhưng vào các ngày thứ Hai hay thứ Ba, khi trên sân tập, cậu ấy cứ như thể không tồn tại vậy. Eden cứ đứng đó, đi bộ. Ai nấy đều hò hét, tranh chấp lẫn nhau, nhưng cậu ấy thì không. Ấy thế mà trên sân cậu ấy vẫn quá giỏi. Đời thật không công bằng, tại sao lại cho một vài người nhiều tài năng đến thế!”
Ngược lại, trong mắt Mikel, Drogba mới thật sự là người anh nể trọng. “Bạn không thể đấu lại Didier. Thể trạng và sức mạnh của anh ấy quả thực phi thường. Didier còn là cầu thủ của những trận cầu lớn nữa. Anh ấy có cái tôi lớn, chuyện bình thường ấy mà. Nhưng trên hết, Didier là một con người ai cũng yêu mến. Anh ấy luôn dành thời gian để trò chuyện với tất cả, từ các nhân viên y tế đến nhân viên nhà bếp. Anh ấy thân thiện vô cùng. Và Didier còn là người thổi lửa cho phòng thay đồ.”
Sự phẫn uất dành cho Antonio Conte
Mikel đã trải qua nhiều đời HLV khác nhau ở Chelsea. Song, chỉ có đúng một người duy nhất anh lấy làm tức giận khi nhắc đến. Người duy nhất không lựa chọn anh trong bất kỳ một trận đấu nào. Và đó cũng chính là HLV cuối cùng của Mikel ở Chelsea. Antonio Conte.
Mikel bấy giờ mới 29 tuổi, nhưng Conte vẫn quyết định giam cầm anh ở Stamford Bridge. Vì sao lại ra nông nỗi này? Câu trả lời là vì kỳ thế vận hội 2016 tổ chức ở Brazil.
Năm đó, Mikel muốn có được tấm HC vàng cùng Nigeria. Không may, giải đấu diễn ra từ ngày 4 đến ngày 20 tháng 8. Nếu tham dự và giả sử Nigeria vào đến trận chung kết, Mikel sẽ nghỉ một quãng thời gian dài của giai đoạn tiền mùa giải, cũng như thêm hai trận mở màn của Chelsea ở Premier League.
Sự lựa chọn ngày ấy của Mikel được đưa ra khá dễ dàng. “Tôi được gọi triệu tập và đó là mong ước của tôi. Ước mơ của một vận động viên là được tham gia thế vận hội. Ừ đúng, cầu thủ bóng đá thì đương nhiên sẽ muốn giành Champions League và World Cup, nhưng Olympic là ngày hội thể thao khổng lồ”.
Conte, người vừa bắt đầu triều đại của ông ở Chelsea, không hề cảm thấy hài lòng với lựa chọn của Mikel. Anh nói tiếp: “Gã ấy mới bước vào cửa CLB được chừng 5 phút mà đã bắt tôi phải lựa chọn cơ đấy. Ông ta nói, ‘Nếu cậu làm vậy, cậu sẽ không còn là một phần của đội bóng’. Tôi trao đổi với CLB và nói rằng mình muốn được về tuyển thi đấu. Chelsea tôn trọng lựa chọn của tôi vì những gì tôi đã cống hiến cho CLB và còn bởi tôi đã gắn bó với đội bóng suốt một thời gian dài. Vậy nên tôi lên đường và tôi cảm thấy mình đã bị trừng phạt. Đến khi tôi trở lại, tôi không còn được gọi triệu tập vào đội nữa. Tôi không bao giờ còn có tên trong danh sách đội hình của trận đấu.”
“Điều hài hước là ngay trước khi kỳ chuyển nhượng mùa đông mở cửa, ông ta đến gặp tôi và nói, ‘Tôi muốn gặp riêng cậu’. Ông ta muốn gặp tôi sau khi đã để tôi tập riêng trong suốt mấy tháng trời. Ông ta đối xử với một cầu thủ đã ở Chelsea suốt bao năm như vậy đấy!”
“Đến khi gặp mặt nói chuyện, ông ta đại ý rằng, ‘Thôi chúng ta hãy làm hòa, tôi sẽ cần cậu trong đội hình, hãy làm lại, vân vân và vân vân!’. Còn tôi ấy hả, ‘Ông giỡn mặt à?! Ông nói chuyện nghiêm túc xem nào?!’ Ông ta biết tôi muốn ra đi. Tôi cứ thế đứng dậy và bước ra khỏi phòng. Ông ta không thể thiếu tôn trọng với tôi như thế được.”
“Tôi không thể đợi đến khi kỳ chuyển nhượng mở cửa để được ra đi. Tôi nói chuyện với ban lãnh đạo và giải thích rằng tôi thật sự quyết tâm muốn rời khỏi Chelsea. Và họ đồng ý, họ hiểu vì sao tôi quyết định như vậy”.
Mikel sau đó gia nhập giải vô địch quốc gia Trung Quốc Chinese Super League, đầu quân cho CLB Thiên Tân Teda.
“Ngay từ đầu, ông ta đã không thích tôi vì một vài lý do”, Mikel khẳng định. “Sau tất cả những gì tôi đã để lại cho CLB… Đúng, tôi không thể ghi bàn như Drogba, hay làm được thế này thế nọ, nhưng tôi luôn hết mực trung thành với Chelsea. Tôi hết mình vì đội bóng. Tôi giúp đội bóng giành các danh hiệu. Tôi đã chơi gần hết các trận chung kết của Chelsea: Champions League, FA Cup, League Cup. Tôi từng là một phần quan trọng của tập thể, nhưng lại bị đối xử như vậy bởi một HLV mới chân ướt chân ráo đặt chân đến CLB. Quá thất vọng! Vấn đề không phải giữa tôi với ban lãnh đạo, mối quan hệ giữa tôi với họ tốt cực kỳ. Họ đã luôn đối đãi công bằng với tôi từ đầu tới cuối.”
Trải qua thêm một giai đoạn khoác áo những Middlesbrough và Trabzonspor, giờ đây, John Obi Mikel đang thi đấu cho Stoke. Song, dù có đặt chân đến phương trời nào, Chelsea vẫn mãi là nơi chốn anh luôn nâng niu.
“Mắt tôi cứ rưng rưng. Tôi đỗ xe ở một góc, phải mất một phút để trấn an bản thân, để nhận ra đó là dấu chấm hết giữa tôi với Chelsea. Suốt 11 năm, có những thứ tôi đã làm ngày qua ngày, từ chiếc tủ quần áo quen thuộc, cho đến chỗ đỗ xe không đổi hàng ngày. Chelsea như quê hương thứ hai của tôi vậy. Tôi đã luôn ở đó từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Tôi ở Chelsea còn nhiều hơn ở nhà”.
Theo vnexpress