Có trong tay khối tài sản “khủng”, lại thành công với quần vợt nhưng “hot-girl” Thùy Dung bỏ tất cả để chọn gắn bó với nghề MC, biên tập viên truyền hình.
Khi còn thi đấu, Nguyễn Thùy Dung là tay vợt nữ số 1 của làng banh nỉ Việt Nam. Thế nhưng, năm 2010, tay vợt sinh năm 1987 khiến tất cả phải sốc khi quyết định giải nghệ ở tuổi 23. Thời điểm đó, Thùy Dung đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Quyết định giải nghệ khiến làng banh nỉ Việt Nam cảm thấy tiếc nuối. Nhưng với Dung, đó được xem là bước ngoặt với bản thân. “Nữ hoàng quần vợt” một thời này luôn có những kế hoạch táo bạo nhưng lại là con tính chắc ăn.
Thời điểm đó, nếu gắng theo nghiệp banh nỉ, cô cũng chỉ là tay vợt nữ số 1 Việt Nam trong một thời gian nhất định. Dung cũng khó vươn tầm quốc tế. Để chọn cho mình một con đường đi “đánh chắc, thắng chắc”, cô từ bỏ quần vợt, chuyển hướng sang tập luyện golf và tập trung vào kinh doanh.
Dung cho thấy sự nhạy bén, đầu óc kinh doanh khi mở nhà hàng ăn vặt cao cấp. Thời bấy giờ, giới trẻ Sài thành đang rất chuộng hình thức này. Không lâu sau đó, Dung khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi thành công ngoài sức tưởng tượng.
Chỉ sau 3 năm, từ một cửa hiệu nhỏ, cô đã sở hữu chuỗi nhà hàng AIYA chuyên về ăn vặt cao cấp ở TP. HCM. Cùng với đó là hai nhà hàng kem sữa. Khách đến đông nườm nượp. Dung luôn biết cách chạy theo xu hướng để hợp thời với dòng sản phẩm cao cấp, dịch vụ tốt.
Từ đó, mỗi tháng, bà chủ trẻ có thể thu về hàng trăm triệu mỗi tháng. Dung tự trả nợ, hỗ trợ bố mẹ và có tiền tỷ để tích lũy, đầu tư cho tương lai. Không chỉ giỏi kinh doanh, Dung là gương mặt khả ái.
Cô luôn được các đài truyền hình săn đón. Khi đang là khách mời, Thùy Dung luôn rất nổi bật. Cô có chuyên môn và bất ngờ hơn cả là những tố chất phù hợp với truyền hình. Nhìn nhận những yếu tố đó từ Dung, những người phụ trách mảng thể thao của VTV quyết định đưa ra lời mời chính thức Dung về làm việc. Ngay lập tức, “hot-girl” xinh đẹp này lập tức đồng ý để thử sức ở môi trường hoàn toàn mới mẻ mà trước đó, cô chưa từng nghĩ đến.
Thử thách thực sự với Dung bắt đầu khi cô tham gia chương trình truyền hình thực tế “Cuộc đua kỳ thú” trong vai trò của một người chơi. Cô nàng “hot-girl” thầm nghĩ, nếu không đạt và cảm thấy không phù hợp thì sẽ xin rút. Thế là, cô từ bỏ công việc kinh doanh để dốc hết thời gian vào MC kiêm biên tập viên truyền hình.
Khó khăn luôn xảy đến với “tân binh”. Đó là sự chặt chẽ về thời gian, các kỹ năng, đặc thù của truyền hình. Nhưng, Dung có ưu thế nhất định: Kiến thức chuyên sâu về thể thao, từng nhiều lần làm khách mời và ngoại hình cùng giọng nói sáng.
Nghị lực, ý chí ngày nào tôi luyện một Thùy Dung can trường. Cô miệt mài từng ngày; thậm chí có nhiều ngày, Dung làm từ sáng sớm đến tối mịt, hết ở trường quay lại xuống hiện trường. Cô tự trang bị kiến thức khi xem rất nhiều chương trình nước ngoài, đọc sách.
Chỉ một thời gian ngắn, từ cô “tân binh” ngày nào, Thùy Dung chiếm sóng và lên sóng đều đặn. Cô không chỉ dẫn những nội dung liên quan đến quần vợt, vốn là sở trường, mà còn thành công với các lĩnh vực khác.
Luôn có những thử thách để Dung tự mình vượt qua. Và sau tất cả, cô vẫn muốn gắn công việc với đam mê về bộ môn quần vợt hay golf. Đó cũng chính là giấc mơ cô hằng đeo đuổi, rằng: Khi nhắc tới các chương trình về quần vợt hay golf trên truyền hình thì mọi người sẽ nhớ đến MC kiêm biên tập viên Nguyễn Thùy Dung.