TTO – ‘Sau những ngày điều trị, tôi càng trân quý đôi chân của mình và của cả đồng nghiệp hơn nữa. Tôi chưa từng ‘tiễn’ đồng nghiệp nào vào thẳng bệnh viện cả’, cựu tuyển thủ Tài Em chia sẻ
.
Tài Em chia sẻ: “Phẫu thuật dù có thành công đến mấy, Hùng Dũng cũng sẽ rất khó để lấy lại được 100% phong độ. Thời gian hồi phục khá dài sẽ khiến Hùng Dũng mất đi nhiều khả năng cảm nhận bóng, sức bền thể lực. Và khi trở lại thi đấu, việc “nhát” chân là điều khó tránh khỏi và điều này có thể sẽ khiến Hùng Dũng gặp khó ở vị trí tiền vệ thường phải va chạm với đối phương”.
* Cảm giác của anh thế nào khi từng phải nằm giường bệnh vì chấn thương?
– Dù bị đá xấu hay rủi ro, cảm giác chung khi nằm trên giường bệnh là sự chán nản, bứt rứt và đau khổ… Đó là chưa kể sự đau đớn sau những lần phẫu thuật.
Khi ấy, tôi giận những cầu thủ đã gây ra lỗi khiến mình phải vào bệnh viện.
Nhưng sau những ngày điều trị, khi bình tâm suy nghĩ lại, tôi càng trân quý đôi chân của mình và của cả đồng nghiệp hơn nữa. Vì vậy mà tôi chưa từng “tiễn” đồng nghiệp nào vào thẳng bệnh viện cả.
* Từng đá vị trí tiền vệ như Hùng Dũng, Hoàng Thịnh, có bao giờ anh “nóng mặt”, trả đũa khi bị đối thủ nhiều lần đoạt bóng hay vượt qua?
– Bị đối phương qua mặt là chuyện bình thường với một tiền vệ. Thua trong tranh chấp hay bị đối phương vượt qua là do sức mình kém, phán đoán không tốt, kỹ thuật cá nhân không bằng người… Mình dở thì phải nhìn lại chứ không thể “nóng mặt” và dẫn tới “nóng máu” rồi trả đũa bằng cách đá thô bạo.
* Va chạm nơi hàng tiền vệ là không tránh khỏi, anh làm gì để né các thẻ phạt?
– Đầu tiên là phải chơi đúng luật, kế đó có thể ập vào tranh chấp mạnh mẽ bằng cách phán đoán trước chọn cho mình sự lợi thế. Đôi khi cũng phải chấp nhận thẻ vàng, trong trường hợp đối thủ thoát qua tạo ra nguy hiểm cho cầu môn.
Dù vậy, trong những khoảnh khắc chẳng đặng đừng đó, tôi chỉ kéo áo, kéo quần hay ôm người chứ tuyệt đối không đá thô bạo để có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng cho đối thủ.
* Từng có thu nhập cao từ bóng đá chuyên nghiệp, anh nhắn nhủ gì với thế hệ đi sau?
– Tôi đến với bóng đá không chỉ thỏa niềm đam mê. Tôi nói vậy bởi khi thi đấu tốt, người cầu thủ sẽ có thu nhập cao qua hợp đồng chuyển nhượng, lương thưởng… Và tiếp đó là được vinh dự khoác áo đội tuyển quốc gia. Đó là điều mà không phải ai cũng có may mắn như vậy.
Hiểu như thế nên như đã nói, tôi rất quý đôi chân của mình và của cả những đồng nghiệp. Hãy thử tưởng tượng, một cầu thủ trẻ tài năng, tương lai đang rộng mở, chỉ vì một cú vào bóng bạo lực là họ phải chia tay bóng đá hoặc có thể chỉ còn là cái bóng trên sân. Họ sẽ buồn đến cỡ nào. Nếu không may phải chia tay sân cỏ vĩnh viễn, cuộc sống của họ và gia đình rồi sẽ ra sao… Mất mát chỉ vì một cú vào bóng vô tình hay ác ý có thể sẽ để lại hậu quả rất nặng nề.
Đó là chưa kể đời cầu thủ ngắn hơn so với những ngành nghề khác. Ba mươi mấy tuổi là đã xong rồi, trong khi gánh nặng lo cho cuộc sống, cho gia đình còn rất dài. Cuối cùng là tổn thất của đội tuyển quốc gia khi mất những trụ cột trước những giải đấu quan trọng.
Từ đây, tôi chỉ xin chia sẻ với các bạn đi sau: Đừng bao giờ chọn lối đá bạo lực, xâm hại đến thân thể và sức khỏe của đồng nghiệp – những người cũng đến với bóng đá để mưu sinh.
Phải kiềm chế mình
Chia sẻ về chấn thương của Hùng Dũng, Thành Lương (CLB Hà Nội) nói: “Tôi đá nhiều giải từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp nhưng chưa bao giờ gặp phải tình huống như vậy. Mình đá bóng, lúc đá không nghĩ được nhiều đâu. Việc bảo vệ đôi chân đồng nghiệp, tôi nghĩ phải được các HLV nói nhiều từ lúc trẻ thì khi lớn mới hạn chế được”.
Còn Hải Huy (Than Quảng Ninh) chia sẻ: “Vừa gãy chân năm ngoái nên tôi hiểu cảm giác của Hùng Dũng. Lúc đầu đau, hoảng loạn. Khi đỡ đau thì bắt đầu nghĩ không biết sắp tới mình thế nào, đá được nữa không. Cảm giác lúc đó sợ nhiều thứ lắm. Tôi nghĩ dư luận lên án cũng là bài học để nhiều cầu thủ nhìn vào mà kiềm chế, hạn chế đá xấu, đá quá mạnh trên mức cần thiết để bảo vệ đôi chân đồng nghiệp”.
Theo tuoitre