Ronaldo và Juventus còn cần nhau?

Nếu bị loại ở Champions League hôm nay, mối lương duyên giữa Cristiano Ronaldo với Juventus sẽ đến hồi cáo chung và những tháng ngày còn lại của anh trên đất Italy rất có thể sẽ hóa thành bi kịch.

Ronaldo im tiếng trong trên sân Dragao hôm 17/2, khi Juventus thua chủ nhà Porto 1-2. Ảnh: EPA

Ronaldo im tiếng trong trên sân Dragao hôm 17/2, khi Juventus thua chủ nhà Porto 1-2. Ảnh: EPA

* Juventus – Porto: 3h thứ Tư 10/3, giờ Hà Nội.

Chưa bao giờ làn sóng phản đối Ronaldo ở Juventus dâng cao như hiện nay. Sau trận lượt đi vòng 1/8 Champions League thua 1-2 trên sân Porto, Gazzetta dello Sport chấm Ronaldo và Rodrigo Bentancur điểm thấp nhất. Trở về Serie A, anh cùng các đồng đội bị Hellas Verona cầm hòa 1-1, dẫn đến việc bị Inter nới rộng cách biệt lên 10 điểm.

Ngay sau đó là những bình luận thấm thía của Antonio Cassano trên Corriere dello Sport. “Juventus mua Ronaldo để vô địch Champions League, nhưng sau khi có anh ta, kết quả còn tệ hơn”, cựu tiền đạo Roma nói. “Họ có thể vô địch Serie A mà không cần Ronaldo. Anh ta không phù hợp với ý tưởng của Pirlo. Ronaldo vẫn ghi bàn, và có thể nổ súng ngay cả khi đang… ngồi. Nhưng Andrea muốn xây dựng hàng công từ tuyến dưới và có tham vọng gia tăng khả năng pressing. Ronaldo đủ trình độ để định đoạt trận đấu, nhưng lại không thích tham gia vào các công đoạn này. Tôi chỉ thay đổi quan điểm trừ khi Juventus vô địch Champions League”.

Quan điểm tương tự được đưa ra bởi ký giả Jonathan Wilson – nhà phân tích chiến thuật nổi tiếng thế giới – trên tờ The Guardian. Ông nhấn mạnh Ronaldo – cũng giống Lionel Messi tại Barca – đang lạc lõng ở các CLB của mình. Messi đạt 0,7 lần tranh chấp bóng thành công trung bình mỗi trận ở La Liga, trong khi con số này của Ronaldo chỉ là 0,4. Họ đi ngược lại xu hướng chiến thuật hiện đại, với các đội đề cao khả năng phản ứng nhanh sau khi mất bóng. Bóng đá ngày nay không còn chấp nhận những cầu thủ… đi bộ trên sân.

Ronaldo bị cho là không phù hợp với triết lý bóng đá mà Pirlo đang xây dựng cho Juventus. Ảnh: AP

Ronaldo bị cho là không phù hợp với triết lý bóng đá mà Pirlo đang xây dựng cho Juventus. Ảnh: AP

Ronaldo, trên thực tế, vẫn lập công đều đặn. Anh ghi 92 bàn sau 120 trận cho Juventus trên mọi đấu trường, mùa sau nổ súng nhiều hơn mùa trước. Anh là người lập công nhiều lần nhất cho Juventus trong các trận knock-out Champions League ba mùa gần nhất. Đó là ba bàn vào lưới Atletico tại vòng 1/8 mùa 2018-2019, một bàn hạ Ajax, một bàn nữa vào lưới Lyon. Nhưng tất cả chỉ giúp “Bà đầm già” cùng lắm đến tứ kết – thành tích tệ hơn cả khi họ chưa có anh. Chẳng cần Ronaldo, Juventus đã vào tới chung kết hai lần trong năm mùa trước đó.

Canh bạc Ronaldo được thực hiện năm 2018 khiến Juventus tốn gần 120 triệu USD phí chuyển nhượng, gần 37 triệu USD tiền lương mỗi năm, chưa kể tiền thưởng gấp nhiều lần con số này và các loại thuế phí. Trước khi Covid-19 bùng phát, đó vẫn là một phép tính khả thi, khi Juventus thu về hợp đồng bảy năm với nhà tài trợ áo đấu Adidas, trị giá 424 triệu USD, gấp đôi thỏa thuận trước đó. Họ nhận thêm ngót nghét 30 triệu USD nữa từ nhãn xe hơi JEEP mỗi năm, với hợp đồng tài trợ trên áo, cao hơn gần 11 triệu so với trước khi có Ronaldo. Số người theo dõi Juventus qua các mạng xã hội tăng từ 49 triệu lên 102,9 triệu nhờ Ronaldo, giúp CLB lan tỏa thương hiệu tốt hơn, kiếm tiền nhiều hơn nhờ có sức hút hơn trong mắt các đối tác.

Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, các tính toán đổ bể. Khoản lương kếch xù mà Ronaldo nhận ngăn họ đãi ngộ tốt hơn cho các trụ cột khác. Riêng lương Ronaldo nhiều hơn bốn cầu thủ xếp ngay sau cộng lại. Juventus vẫn còn khoản nợ 485 triệu USD và vừa báo lỗ tiếp 95 triệu nữa vào năm ngoái. Bối cảnh đó cộng thêm hàng loạt nguồn thu khác giảm sút vì Covid-19 khiến khoản đãi ngộ khủng khiếp dành cho Ronaldo trở thành gánh nặng ngàn cân.

Vô địch Champions League là cứu cánh duy nhất cho mối lương duyên Ronaldo - Juventus. Ảnh: AP

Vô địch Champions League là cứu cánh duy nhất cho mối lương duyên Ronaldo – Juventus. Ảnh: AP

Nếu Juventus vô địch Champions League mùa này, tất cả lập luận của giới chuyên gia, trong đó có lời bình luận cay độc của Cassano, sẽ trở thành lố bịch, Juventus hiện thực hóa được khao khát của họ và Ronaldo trở thành canh bạc vĩ đại của Chủ tịch Andrea Agnelli. Tuy vậy, thực tế trận lượt đi thua 1-2 trước Porto và suốt mùa này, khi Ronaldo “vênh” với triết lý của Pirlo, không phù hợp với phong cách bóng đá của HLV người Italy, thì vô địch có thể vẫn chỉ là giấc mơ xa xỉ.

Trận mới nhất trước Lazio ở Serie A, HLV Pirlo lấy lý do Ronaldo không khỏe hẳn để cất anh lên ghế dự bị. Đó là quyết định liều lĩnh. Lazio thuộc số đội mạnh nhất Italy hiện nay, từng đánh bại chính Juventus ở Siêu Cup Italy mùa trước, trong khi bản thân Juventus cũng khát điểm để tranh scudetto. Nhưng dù vắng Ronaldo, phải chắp vá đội hình – xếp hậu vệ trái Alex Sandro đá trung vệ, dùng hậu vệ phải Danilo đá tiền vệ trung tâm, và “chấp” đối phương một bàn từ sớm, Juventus vẫn thắng trận này 3-1Alvaro Morata hôm đó chói sáng với hai bàn, và kiến tạo cho Adrien Rabiot ghi bàn còn lại.

Chiến thắng trước đối thủ mạnh như Lazio không đủ để khẳng định rằng Juventus có thể sống tốt mà không cần Ronaldo. Nhưng đó là thắng lợi mang ý nghĩa biểu tượng cho mong muốn của một bộ phận không nhỏ CĐV Juventus lúc này: đừng lệ thuộc vào Ronaldo nữa.

Theo vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *