Kết thúc mùa 2020, Sài Gòn FC gây chú ý khi chia tay 22/28 cầu thủ và thành viên ban huấn luyện. Nhưng mới đây đội bóng này còn thay máu triệt để hơn nữa, khi thực sự chuyển mình theo hướng “J-League hóa”.
Ông Trần Hòa Bình chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Sài Gòn FC. HLV Vũ Tiến Thành cũng trao quyền HLV trưởng cho nguyên Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) ông Shimoda Masahiro, chờ chuyển sang công tác mới quan trọng không kém. Đây là bước ngoặt, cho thấy Sài Gòn FC đã “lột xác” hoàn toàn ở mùa thứ 2 trong tay ông chủ mới. Họ chính thức bắt tay tiếp quản cơ ngơi mới ở Trung tâm Thành Long, triển khai đề án đào tạo bóng đá trẻ với CLB Tokyo FC.
Đội 1 tuyển quân với các tiêu chí rõ ràng: có khát vọng, nghiêm túc và cầu tiến. Điều này áp dụng từ nội binh đến những cầu thủ ngoại quá hiểu V-League như “ông già gân” Đỗ Merlo, trung vệ Thiago, bên cạnh 4 ngôi sao bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc. Ý thức chuyên nghiệp, khát khao cống hiến của Đỗ Merlo và Daisuke Matsui là tiêu biểu cho tinh thần mới của đội bóng. Tất cả diễn ra chóng vánh nhưng thực tế đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng, nhờ sự tư vấn từ những đối tác, nhà tài trợ lớn Nhật Bản và JFA.
Việc những ông chủ của Sài Gòn FC mua lại Trung tâm PVF ở Hưng Yên (được AFC gắn sao cao nhất về chất lượng – PV), ký kết với CLB Ryukyu để đưa cầu thủ Việt Nam sang J-League 2 cho thấy tầm nhìn và khát vọng của đội bóng này. Sau 1 năm nắm bắt và chuẩn bị, Sài Gòn FC liên tiếp “lột xác” triệt để từ trong ra ngoài, dù biết sẽ vấp phải những khó khăn. Rũ bỏ mọi tàn dư cũ, đây là thời điểm hoàn hảo để CLB tái cấu trúc, chuyển mình theo hướng “J-League hóa”.
Bình luận viên Vũ Quang Huy chia sẻ: “Tôi cho rằng bất kỳ cuộc chia tay nào, với người Việt Nam cũng sẽ dẫn đến lăn tăn tình cảm nhất định. Nhưng về cơ bản Sài Gòn FC kiên định đi theo con đường của riêng họ, chứ không phải thứ bóng đá chắp vá. Đúng sai thế nào, cần chứng minh bằng kết quả thực tế trên sân cỏ. Nhưng tôi đang thấy tinh thần dám làm, dám chịu, dám chơi để vạch ra con đường làm bóng đá lâu dài của những ông chủ Sài Gòn FC, với tuyên bố không đặt nặng thành tích để xây chắc nền cho CLB.
Tất nhiên, cờ đến tay là phải phất. Cơ hội V-League đến lúc này vẫn dành cho tất cả mọi người vì ai nghĩ những đội sừng sỏ như Hà Nội, Viettel lại chệch choạc. Còn nếu không được thì xem như là năm để chuyển giao sang mô hình “J-League hóa”. J-League ở đây đúng nghĩa bài bản, chuyên nghiệp. Tôi đã từng sang Nhật Bản, thuở sơ khai họ từng giống bóng đá Hàn Quốc bây giờ: Sau lưng mỗi CLB gắn bó với một doanh nghiệp lớn. Nhưng hiện tại mỗi đội bóng Nhật Bản có thể có cả trăm nhà tài trợ theo hướng phát triển bền vững hơn, đậm chất cộng đồng nhiều hơn, có vẻ phù hợp hơn với Việt Nam.
Khi đã mang tên Sài Gòn là nơi có rất nhiều niềm tự hào, tiềm lực mạnh, rất có thể những ông chủ của CLB sẽ định ra mô hình bóng đá đột phá tạo niềm tin, từ đó thu hút nhiều nhà tài trợ. Việt Nam có đội Phù Đổng từng theo mô hình này nhưng chưa rõ nét. Ở Sài Gòn có thể áp dụng điều này dễ hơn, do đặc tính cộng đồng người dân mở hơn, doanh nghiệp lớn nhiều hơn và người hâm mộ rất khao khát đội bóng mang bản sắc của mình. Nếu biết cách vận dụng nội lực, sức mạnh tập thể của người Sài Gòn thì chúng ta hoàn toàn có thể chứng kiến những điều thú vị từ đội bóng này”.
Theo thanhnien.vn
- Ngược dòng ngoạn mục trước Inter Milan, Sevilla vô địch Europa League!
- Kết quả bóng đá Europa League Sevilla – AS Roma: Định đoạt hiệp 1, thẻ đỏ hạ màn
- Đội nữ Lyon lần thứ 7 vô địch Champions League
- Bản tin ngày 21/09″: Manchester United cắn răng giật “bom tấn”
- Hoàng Thương: Từ “phụ hồ” thành phụ công số 1 Việt Nam