Khi thấy và ngửi mùi bún cua thối (Gia Lai) thì ít thực khách phương xa nào dám ăn. Tuy nhiên, nếu thử thì món ăn lại pha trộn nhiều vị mang đến cho người dùng một cảm giác khó quên.
Bún mắm cua (hay còn gọi là bún cua thối, bún thối) là đặc sản ở tỉnh Gia Lai. Đây là món ăn bình dân chỉ từ 10 – 15 ngàn đồng/1 tô, nhưng lại hấp dẫn được những thực khách khó tính ăn. Chính vì vậy, khi bạn đi khắp các con phố trên TP.Pleiku và xuống huyện đều bắt gặp các quán ăn đề “bún cua”.
Để ăn được món bún cua thối đúng vị thì những người dân bản địa thường mời bạn bè đến một con hẻm nhỏ đường Phùng Hưng (TP.Pleiku, Gia Lai) để thưởng thức. Ngay từ đầu hẻm, chúng tôi đã bị mùi bún cua thối xộc lên mũi, chân không dám bước vào. Tuy là một con hẻm nhỏ, nhưng trên tuyến đường này có rất nhiều quán bún cua nổi tiếng, mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến thưởng thức món kỳ dị này.
Ghé vào quán cô Châu Thị Chi (53 tuổi, trú tại đường Phùng Hưng, TP.Pleiku, Gia Lai) vào khoảng 4h chiều nhưng đã khách đã chen chúc nhau ngồi. Trò chuyện với chúng tôi, cô Chi cho biết: “Quán bún cua này được mở từ năm 1998, lúc trước tôi bán ở vỉa hè. Mãi sau này mới có được không gian thoải mái cho thực khách ngồi ăn. Món bún cua thối này tôi học được từ phía gia đình chồng. Trước đây, tôi cũng không tài nào ăn được món này nhưng sau khi ăn thì bị nghiền luôn đến bây giờ…”.
Cô Chi, nguyên liệu của món bún cua thối này khá đơn giản chỉ cần cua đồng tự nhiên, bún, tóp mỡ và hành khô…Để có món bún cua đậm đà hương vị thì nồi nước dùng phải thối, đen tuyền, dậy mùi…Sau đó, là các gia vị ăn kèm như măng, trứng vịt, ớt xay, rau sống, nem chả…
“Cua đồng tươi sau khi bắt được thì rửa sạch bỏ phần mai, lấy phần thân giã hoặc xay nhuyễn đem lọc lấy nước. Nước cua tươi được ủ khoảng một ngày đêm để lên men cho đến khi chuyển màu đen và bốc ra mùi nồng nồng, mùi thum thủm thì đem ra chế biến. Khi nấu nước thì có thêm măng tươi thái mỏng, để bếp lửa liu riu. Đun càng lâu, măng càng tiết ra nhiều vị ngọt khiến nồi bún cua thối càng ngon. Trứng vịt, sau khi luộc chín thì bỏ vào nồi nước dùng”, cô Chi bật mí.
Để tăng thêm hương vị cho bát bún cua thối người ta thường vắt thêm chanh, tóp mỡ và đặc biệt là ớt xay nhiều để khử vị tanh, khiến món ăn trở nên đa vị. Chia sẻ với chúng tôi, chị Đỗ Hằng (một thực khách nghiện món bún cua thối) bộc bạch: “Mình sinh ra và lớn lên ở TP Pleiku. Trước đây, mình cũng không thể ăn nổi món ăn này nhưng sau khi thử ăn thì bị nghiền luôn. Mùi thum thủm của nước dùng hòa vào vị mặn mà của mắm, vị ngọt từ măng, vị cay cay của ớt, độ giòn của tóp mỡ, hành phi và sự thanh mát của rau, chanh khiến món ăn này càng trở nên hấp dẫn. Hầu hết tuần nào mình cũng thưởng thức món bún cua thối này từ 3-4 lần”.
Trung bình 1 ngày, quán cô Chi có thể bán hơn 1000 tô với khoảng 20kg cua tươi lên men. Mỗi tô như vậy sẽ có giá khoảng 10.000 đồng, còn thêm trứng thì 12.000 – 15.000 đồng.
Theo Dantri