Trọng tài Hoàng Ngọc Hà chia sẽ về những khó khăn khi làm trọng tài

Chia sẻ với VnExpress, trọng tài Hoàng Ngọc Hà kể về những khó khăn khi theo nghiệp cầm còi, và cả những háo hức khi V-League 2021 trở lại sau gần hai tháng hoãn vì Covid-19.

Trọng tài Hoàng Ngọc Hà trong trận đấu HAGL giành chiến thắng 3-2 trên sân của Thanh Hoá ở mùa giải 2019. Ảnh: Lâm Thoả

Trọng tài Hoàng Ngọc Hà trong trận đấu HAGL giành chiến thắng 3-2 trên sân của Thanh Hoá ở mùa giải 2019. Ảnh: Lâm Thoả

– Cảm xúc của ông ra sao khi được bắt V-League trở lại sau gần hai tháng giải tạm hoãn vì Covid-19?

– Vòng này được giao cầm còi trận đấu giữa Quảng Ninh và TP HCM trên sân Cẩm Phản, tôi háo hức vô cùng, như lần đầu tiên được cầm còi vậy. Tôi mong được ra sân lắm rồi, nghỉ lâu quá, cảm giác bị cuồng chân.

Nghề chính là giáo viên nên tôi vẫn có việc để làm khi không có bóng đá. Khi học sinh phải nghỉ học ở nhà vì Covid-19 thì tôi dạy online. Các học trò trở lại thì mình đứng lớp. Tôi dạy giáo dục thể chất khối I và III ở trường tiểu học, một tuần 22 tiết. Bên cạnh đó, tôi cũng dành thời gian cho gia đình. Tôi có hai con trai, một bé 10 tuổi, một bé 5 tuổi. Có trận đấu hay không thì cũng 6h dậy, thành thói quen, vì phải vệ sinh thân thể, lo cho con ăn sáng. 6h30 hai bố con ra khỏi nhà. Tôi đi làm thì đưa con đi học luôn bởi hai bố con cùng trường.

– Việc là thầy giáo có tác động như thế nào đến nghề trọng tài của ông?

– Mình đi dạy, tiếp xúc học trò nhỏ trong môi trường sư phạm nên cách hành xử trên sân mềm dẻo, gần gũi hơn.

Các học sinh của tôi mê bóng đá, xem V-League cũng nhiều. Vì vậy, thường sau các vòng đấu, lại có em hỏi “thầy ơi sao chú trọng tài này bắt thế này, xử phạt thế kia?”. Đôi khi, mình phải ngồi phân tích, giải thích cho các con hiểu. Mà cũng nhờ làm trọng tài bóng đá, xuất hiện trên truyền thông nhiều nên phụ huynh đăng ký cho con học lớp bóng đá của tôi khá đông. Tôi dạy lớp này vào các buổi thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu.

May mắn tôi là giáo viên nên có sự cố như bị kỷ luật hay giải hoãn vì dịch như vừa qua, tôi vẫn có lương để lo cho gia đình.

– Thu nhập từ nghề trọng tài của ông như thế nào?

– Gần đây VFF và VPF đã cố gắng nâng chế độ đãi ngộ cho trọng tài lên. Trọng tài chính bắt một trận ở V-League được 7,2 triệu đồng sau khi trừ thuế. Các trợ lý và trọng tài thứ tư thì 5 triệu chưa trừ thuế. Nhưng số trận đấu có hạn, có phải vòng nào cũng được bắt đâu. Rồi các tháng không có giải nữa, chưa kể mắc sai sót, bị kỷ luật hai hay ba trận.

Các trọng tài như chúng tôi thì thu nhập ổn. Nhưng để tới được mức như khi bắt V-League thì mất hàng chục năm. Thú thực nếu không có công việc khác thì không đảm bảo cuộc sống.

Những năm qua rất nhiều trọng tài tham gia một thời gian rồi nghỉ. Họ thấy thu nhập không đủ trang trải cuộc sống thì tự rút lui. Cuộc sống mà, phải tính toán kinh tế bởi còn gia đình. Nếu các trọng tài không đam mê, kiên trì, rất khó để theo đuổi được với nghề. Như cá nhân tôi, bắt đầu vào sinh hoạt cùng tổ trọng tài Hà Nội từ năm 2005 và phải mất 10 năm mới được lên cầm còi ở V-League. Nếu không có thu nhập từ nghề giáo viên, tôi bỏ trọng tài lâu rồi.

Trọng tài Hoàng Ngọc Hà cho biết việc mình là giáo viên giúp anh cư xử trên sân nhẹ nhàng hơn. Ảnh: Lâm Thoả

Trọng tài Hoàng Ngọc Hà cho biết việc mình là giáo viên giúp anh cư xử trên sân nhẹ nhàng hơn. Ảnh: Lâm Thoả

– Trận đấu đầu tiên ông cầm còi ở V-League diễn ra thế nào?

– Tôi vẫn nhớ đó là trận đấu giữa Quảng Nam và Đà Nẵng ở vòng 7 V-League 2015. Đó cũng là trận “dậy sóng” trọng tài, nhưng lỗi là của trợ lý Đức Chiến, không phải tôi. Trợ lý của tôi báo bóng đã qua vạch vôi nên tôi xác định bàn thắng. Nhưng ngay sau đó cầu thủ phản ứng, chúng tôi phải thảo luận. Tôi nói góc độ của tôi thì thấy chưa vào, nhưng theo luật thì tình huống đó phải coi là ghi bàn khi thấy trợ lý dựng cờ chạy lên. Anh Đức Chiến thừa nhận bóng chưa qua vạch vôi nhưng bị giật mình, dẫn tới sai. Tôi bảo “OK, nếu anh chắc chắn bóng chưa qua vạch vôi thì em thay đổi quyết định vì trận đấu chưa bắt đầu lại”.

Trong tình huống đó tôi thấy mình tỉnh. Trước đó quyết định sai nhưng chưa cho trận đấu sang một tình huống khác thì phải sửa thôi. “Bẻ còi” sẽ ảnh hưởng tới tên tuổi tôi, nhất là trận đầu nhưng cái gì đúng là đúng, thấy đúng phải làm, không thể sợ.

– Nhưng anh cũng từng bị tố là “giết chết bóng đá”?

– Đó là lời của HLV Nguyễn Đức Thắng nói về tôi sau trận đấu giữa Thanh Hoá và Nam Định mùa 2018. Anh ấy bức xúc vì tôi rút thẻ vàng thứ hai, truất quyền thi đấu của Rimario. Và khi đội nhà thiếu người, họ để đối thủ gỡ hoà 2-2.

Những ai nắm rõ luật đều biết tôi xử đúng. Tình huống đó Rimario ghi bàn xong nhảy lên hàng rào ăn mừng. Luật ghi rất rõ phải thẻ vàng. Nếu tôi xử khác là tôi sai, sẽ bị giám sát ghi lại báo cáo, ăn án kỷ luật. Mà nếu không xử như thế, sau các tình huống tương tự tôi làm thế nào, lại bắt sai tiếp chăng? Không thể cùng một tình huống lại phạt thẻ cầu thủ này còn chỉ nhắc nhở cầu thủ kia.

Bị nói khá nặng nề nhưng tôi không trách HLV Đức Thắng. Bóng đá mà, chuyện trọng tài bị đổ lỗi là bình thường. Có một thực tế trong môn thể thao vua là thắng vinh danh HLV, thua thì họ lấy lý do nào đó, vì cái nọ, vì cái kia… sân bãi xấu, trời mưa hay thường xuyên hơn là đổ lỗi trọng tài.

– Trong 10 năm cầm còi, sai sót nào anh nhớ nhất?

– Đó là trận Thanh Hoá hoà Quảng Nam 4-4 ở mùa giải 2017. Tình huống đó Thanh Hoá đang tấn công, Quảng Nam cướp được đá mạnh lên, phản công nhanh. Tôi từ dưới chạy lên, cùng chiều với cầu thủ Quảng Nam nên chỉ thấy lưng, không nhìn thấy cậu ấy để bóng chạm tay. Trợ lý của tôi thấy nhưng ở khoảng cách xa không dám hỗ trợ. Trong khi đó cầu thủ Thanh Hoá cũng không phản ứng gì để tôi biết có tình huống chạm tay mà bàn hỏi ý kiến với trợ lý. Vì vậy, tôi công nhận bàn thắng.

Sau pha bóng đó tôi dính án phạt treo còi hai trận. Tôi chấp nhận bởi mình sai, làm thay đổi kết quả trận đấu. Nhưng thú thực tình huống đó rơi vào “điểm mù”, trọng tài không quan sát được thì chịu. Sau này rút kinh nghiệm, trước các trận đấu tôi hay nói với trợ lý nếu quan sát được gì cứ mạnh dạn trợ giúp tôi.

– Anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng các trọng tài Việt Nam “có vấn đề tư tưởng”, dính dáng tới tiêu cực?

– Trọng tài cũng như bao nghề khác, không phải lúc nào cũng đúng hết, cũng hoàn thành tròn trịa được. Sẽ có lúc chúng tôi sai, đó là điều chắc chắn.

Mỗi khi trọng tài mắc lỗi người ta thường suy luận, rồi dùng cộng đồng mạnh nói, với những từ ngữ nặng nề, mạt sát. Thực sự rất buồn khi bị chỉ trích thế. Những lúc như vậy tôi cũng chỉ biết chấp nhận và cười thôi. Cũng không thể trách mọi người suy luận có tiêu cực được bởi trước đây từng có việc trọng tài như vậy. Suy luận là quyền của mọi người, mình chẳng thể đi giải thích hết với tất cả. Tôi luôn cho rằng cứ tập trung làm tốt công việc, đúng-sai, tiêu cực hay không sẽ có những bộ phận chuyên môn đánh giá.

Nghề trọng tài như làm dâu trăm họ, sao có thể làm hài lòng hết mọi người được. Đội thắng thì họ không nói, thua thì chửi trọng tài thậm tệ. Thậm chí không sai cũng bị đổ lỗi. Thế nên khi ra sân tôi luôn chỉ chúc anh em may mắn. Đen mà sai một chút thôi cũng sẽ bị công kích.

– Anh thường chuẩn bị cho mỗi trận đấu như thế nào?

– Thông thường tối trước trận đấu tôi xem lại trận đấu gần nhất của hai đội để coi lối chơi của họ. Đôi khi là mở clip xem các tình huống.

Trọng tài phải tìm hiểu về hai CLB, lối đá thế nào, con người có ra sao, có ai cá tính. Như cầu thủ Rimario chẳng hạn. Tôi biết anh ta nóng tính, rất dễ bị kích động. Mình biết được như vậy thì sẽ có cách ngăn ngừa. Tôi sẽ chặn trước không để đối thủ cố tình chơi tiểu xảo khích nóng Rimario, dẫn tới việc anh ta phản ứng lại thái quá, phải nhận thẻ đỏ theo luật, làm hỏng trận đấu.

Đi tỉnh tôi hay có anh em bạn bè nên cũng thường rủ nhau cafe. Nhưng tôi tránh tiếp xúc với thành viên các đội. Mình tâm sáng, không có vấn đề gì đâu nhưng người ta hay suy luận. Nói nôm na là tránh cho nó lành.

– Để là một trọng tài tốt, điều gì là quan trọng nhất?

– Theo tôi điều đầu tiên là phải có thể lực. Thể lực mà không đảm bảo, không thể di chuyển nhanh nhẹn, có góc quan sát tốt để bắt được. Mà khi bạn không khoẻ thì tinh thần bạn cũng không bao giờ tốt được, rất dễ bị chi phối trong các tình huống.

Trọng tài trên sân có khi còn chạy nhiều hơn cầu thủ. Tôi nhớ có bài báo viết Tuấn Anh, Xuân Trường hay các cầu thủ khác trận chạy đâu đó khoảng 8 km. Tôi khi đi làm giải quốc tế từng được đo, chạy 9 đến 10 km mỗi trận.

Tôi tập thể lực hàng ngày, thành thói quen, ngày nào không tập khó chịu vô cùng. Các bài tập của tôi thì đa dạng, hôm thì sức bền, hôm thì tăng tốc, khi không có giải thì tập tạ. Tôi thường dạy xong thì tập luôn ở trường, hôm thì về nhà tập dưới hồ, ngày trời mưa thì ra phòng gym, cùng lắm thì chạy trên máy tập ở nhà.

Ông Hoàng Ngọc Hà (ngoài cùng bên trái), nhận phần thưởng Trọng tài xuất sắc trong Lễ Gala trao thưởng mùa giải 2020.

Ông Hoàng Ngọc Hà (ngoài cùng bên trái), nhận phần thưởng “Trọng tài xuất sắc” trong Lễ Gala trao thưởng mùa giải 2020.

– Nói về trọng tài là nói về những tấm thẻ. Quan điểm khi rút thẻ của anh thế nào?

– Không phải cứ rút thẻ là giải quyết được vấn đề. Quan trọng rút thẻ ra phải có giá trị, vừa răn đe, vừa giáo dục, đó mới xứng đáng cái thẻ. Nhiều khi lỗi bình thường rút thẻ, dần dàn cầu thủ sẽ nhờn.

Tôi luôn nhớ câu nói mà những người đàn anh đi trước đã dạy, rằng “trọng tài hay là trọng tài biết ngăn ngừa sự cố từ trước khi nó xảy ra”. Tôi nhớ ở Hải Phòng có trung vệ Phạm Mạnh Hùng, mọi người nói hay đá láo, đáng thẻ. Nhưng các trận tôi làm cậu ấy lại đá rất bình thường, bởi tôi thường nhắc trước, cần tập trung đá bóng, bỏ các động tác thừa, tránh thẻ không cần thiết. Các trận tôi thổi có Hải Phòng mùa 2020 Mạnh Hùng không phải nhận thẻ nào.

Thổi ngăn ngừa cũng rất quan trọng. Nếu nhiều tình huống cầu thủ phạm lỗi nhẹ mà trọng tài bỏ qua thì cầu thủ sẽ nghĩ “chơi được”, sẽ phạm lỗi nặng hơn, dẫn tới những tình huống căng thẳng như trả đũa nhau, làm bể trận đấu. Các trận tôi làm, dù căng cũng thường ít thẻ. Ví như Nam Định – Hải Phòng mùa trước, rất nóng vì đua trụ hạng nhưng chỉ có năm thẻ.

Mình cũng phải đặt vị trí của mình vào cầu thủ để hiểu và xử lý cho đúng. Tôi cũng chơi bóng đá, cũng từng một lần phải nhận thẻ vàng, tại giải công đoàn quận Cầu Giấy năm 2018. Trong pha bóng đó một bác trọng tài lớn tuổi phạt đội tôi trong khi chính đồng đội tôi bị phạm lỗi. Tôi vừa giơ hai tay ơ lên một tiếng thì bị phạt thẻ vàng vì phản ứng. Có trong tình huống như vậy mới hiểu tâm lý cầu thủ, khi bị nhận thẻ vàng nặng tay hay oan rất ức chế. Vì vậy khi cầm còi ở V-League, tôi rất hạn chế rút thẻ.

– Các sân bóng ở V-League giờ rất đông khán giả, nhiều nơi gây áp lực lớn cho trọng tài. Anh xử lý thế nào?

– Tôi nhớ nhất sân Lạch Tray của Hải Phòng. Có trận tôi mới ra khởi động thôi, chưa làm gì đã bị đồng thanh chửi. Ai chửi cứ chửi, mình làm cứ làm. Mình làm trên sân đúng thì sau trật tự hết.

Khán giả càng đông, càng hò hét, tôi càng thích, bởi nó là động lực cho trọng tài bắt. Tôi nhớ trận Nam Định và Hải Phòng mùa trước , CĐV chật kín Thiên Trường bởi là trận đấu quyết định vé trụ hạng. Trước đó nhiều trọng tài đã bắt sai với Nam Định nữa nên ai cũng nghĩ tôi bị áp lực. Nhưng tôi bình tĩnh thổi, mọi chuyện êm ru, trận đấu kết thúc dù đội nhà thua nhưng CĐV vẫn vỗ tay khen trọng tài. Đó là thành công, là phần thưởng quý hơn tiền với trọng tài chúng tôi.

– Anh đã hai năm liên tiếp được phần thưởng “Còi vàng”. Điều đó tạo ra áp lực thế nào với bản thân?

– Nhiều tiền bối nói đạt được “Còi vàng” đã khó, giữ được còn khó hơn. Nhưng tôi không lấy đó là áp lực mà coi nó là động lực để cố gắng, làm tốt. Tôi để phần thưởng đó trong tủ lưu niệm, trước khi đi làm nhiệm vụ nhìn vào nó để nhắc nhở bản thân phải làm tốt trong trận đấu sắp tới. Nghề trọng tài không ai nói hay được. Một trận đấu 90 phút anh hay gần hết, còn vài giây mà sai thì công sức cũng đổ sông, đổ biển cả.

Theo vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *