Xanh biếc Phú Quý

Ngoài chi phí bình dân, cảnh quan thiên nhiên nơi đây còn có những bãi biển xanh biếc, nguyên sơ, cùng phong cảnh núi non – biển trời hùng vĩ và những di tích lịch sử văn hóa đặc sắc.

Đúng như tên gọi, Phú Quý được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng hoang sơ, quyến rũ như vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ – gành Hang, hòn Tranh… Nổi bật nhất là vịnh Triều Dương với dải cát uốn cong hình chữ S.

Cát ở đây trắng mịn, màu nước biển xanh biếc và rừng dương rợp bóng mát, rất thích hợp để tắm biển và tổ chức dã ngoại. Từ vịnh Triều Dương, đi tiếp sẽ tới bãi Nhỏ – gành Hang, là một bãi tắm hình lưỡi liềm nằm dưới chân núi hùng vĩ.

Tại đây, du khách sẽ thấy những mẩu đá xù xì, cứng như thép vốn là sự kết tinh qua hàng trăm triệu năm từ quá trình phong hóa.

Đặc biệt, dưới chân núi còn có những gành đá nham thạch giống như gành Đá Dĩa (tỉnh Phú Yên), là dấu tích của những đợt phun trào núi lửa. Theo các cư dân sống trên đảo, Phú Quý vốn là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu.

Điểm cao nhất ở Phú Quý hiện nay là ngọn hải đăng trên núi Cấm thuộc xã Ngũ Phụng. Hải đăng này nằm ở độ cao 108m trên núi Cấm và thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Muốn chinh phục ngọn hải đăng, du khách phải leo qua hơn 120 bậc đá uốn lượn theo triền núi, dài khoảng 200m.

Từ trên hải đăng, du khách có thể thưởng thức trọn vẹn toàn cảnh thiên nhiên và cuộc sống trên hòn đảo tiền tiêu này.

Ngày nay, đến với Phú Quý du khách không nên bỏ qua nhà máy điện gió, được xem là công trình điện gió trên đảo đầu tiên tại Việt Nam. Thực tế, trước khi tàu cập cảng Phú Quý, du khách đã có thể thấy ba tuôcbin điện gió đang quay chầm chậm giống như một lời mời chào thân thiện đối với những vị khách từ đất liền ra đảo.

 

Dù có diện tích khiêm tốn (16,4 km2) nhưng Phú Quý có đến gần 30 di tích văn hóa với nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau. Nổi bật nhất là tập tục, tín ngưỡng thờ cúng cá ông (cá voi) không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân xứ đảo.

Bằng chứng là số lượng các kiến trúc về thờ thần Nam Hải trên đảo Phú Quý có tới gần 10 địa điểm.

Trong số đó, vạn An Thạnh (thuộc thôn Triều Dương, xã Tam Thanh) nổi bật với kiến trúc bề thế, được xây dựng năm Tân Sửu (1781) để tôn thờ thần Nam Hải (tên gọi cung kính của người dân miền biển đối với cá voi).

Ngoài ra, vạn An Thạnh còn thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khẩn hoang, lập làng dựng vạn và cũng là nơi thực hiện các nghi lễ liên quan đến phong tục tập quán, tín ngưỡng của ngư dân trên đảo.

Đáng chú ý nhất, tại đây đang lưu giữ và thờ phụng trên 70 bộ xương cốt cá voi, cá heo và một số sắc phong do vua triều Nguyễn ban tặng. Mỗi bộ xương cá voi, cá heo khổng lồ sẽ gắn liền với câu chuyện ly kỳ để du khách tìm hiểu, khám phá.

Thông thường, vạn An Thạnh chỉ mở cửa vào dịp tế lễ, cầu ngư, khách muốn tham quan cần liên hệ với ông Đỗ Muông, một người dân sống gần di tích, để mở cửa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *